Tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không quá 27 người

Tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không quá 27 người
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 19/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Cân nhắc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật quy định: Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: Xử lý vi phạm; xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm…”.
ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) thống nhất với việc bổ sung quy định Viện Kiểm sát nhân dân xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân.
ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội trường, chiều 19/5. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hành chính năm 2015 đều quy định về các trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, dân sự hành chính, trong đó có các hành vi cản trở tố tụng do Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành.
Tuy nhiên, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa quy định thẩm quyền xử phạt hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân. Cũng theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, Điều 41, Điều 42, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15, thì khi cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát, thì Viện Kiểm sát nhân dân phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển giao cho Công an, Tòa án nhân dân xem xét xử phạt tùy theo giai đoạn tố tụng. Do đó, việc cân nhắc bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân là hợp lý.
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đều không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của kiểm sát viên, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cân nhắc kỹ về sự cần thiết bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để quy định thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản luật.
Có phương án bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân khu vực
Dự thảo Luật quy định số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không quá 27 người. Đại biểu Lê Tất Hiếu cho biết, theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành thì số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, không tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, do vậy phần công việc của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao sẽ được chuyển lên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, vì vậy, việc tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là hết sức cần thiết.
ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Lưu ý, tới đây trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân khu vực rất nặng nề, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, từ kiểm sát án hình sự đến kiểm sát án dân sự, hành chính, kinh tế, phá sản... Có những việc trước đây Viện Kiểm sát nhân dân khu vực chưa từng làm, do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, tính toán việc bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, đặc biệt là có phương án điều động, biệt phái để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát khu vực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Hoàng Ngọc
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tang-so-luong-kiem-sat-vien-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-khong-qua-27-nguoi-10372928.html