Tăng sức hút cho xe buýt, tàu đô thị tại Hà Nội

Tăng sức hút cho xe buýt, tàu đô thị tại Hà Nội
3 giờ trướcBài gốc
Theo thống kê, Hà Nội hiện có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành. Trong đó, 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá,13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã; 65/75 bệnh viện (đạt 87%), 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%).
Loại hình giao thông “cốt lõi”
Xe buýt cũng đã tiếp cận toàn bộ 27 khu công nghiệp lớn, 33/37 khu đô thị (đạt 89,2%); 23/24 làng nghề (đạt 95,8%); 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa khu du lịch (đạt 92%), đồng thời kết nối với 8 tỉnh thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định).
Mạng lưới xe buýt đang "phủ sóng" khắp địa bàn Hà Nội, tạo thuận tiện cho việc di chuyển.
Không khó để thấy, những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn. Với hơn 2.100 phương tiện, hệ thống buýt mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách trên địa bàn Thủ đô.
Trong khi đó, với đường sắt đô thị, từ năm 2021 - 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện, Metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội kết nối với điểm dừng xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Qua 2 năm đi vào vận hành (từ ngày 6/11/2021) đến nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh, hiện đại.
Còn với tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao đã chính thức vận hành thương mại phục vụ hành khách từ ngày 8/8/2024. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đoạn trên cao tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội gồm 8 ga, được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, gồm Nhổn (S1), Minh Khai (S2), Phú Diễn (S3), Cầu Diễn (S4), Lê Đức Thọ (S5), Đại học Quốc gia (S6), Chùa Hà (S7) và Cầu Giấy (S8).
Hiện, 8 ga tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50m, khá thuận tiện cho người dân. Dọc tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách là Cầu Giấy và Nhổn. Bên cạnh đó, có 32 điểm dừng xe buýt (mỗi chiều đi và về đều có 16 điểm).
Giải pháp tăng sức hút
Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch-Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông TP. Hà Nội, ước đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân.
Trong đó, lượng hành khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên-người cao tuổi) chiếm 70% sản lượng…
Hệ thống đường sắt đô thị được kỳ vọng hoàn thiện bức tranh giao thông đô thị hiện đại tại Hà Nội.
Riêng với các tuyến đường sắt đô thị, tính tới ngày 25/9, tuyến Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển trên 28,15 triệu lượt hành khách. Hiện, tuyến này có hơn 12.000 vé tháng và vào các khung giờ cao điểm, số lượng người đi bằng vé tháng đạt tới 80-85%.
Trong khi với tuyến Nhổn-ga Hà Nội, từ ngày đầu chính thức vận hành phục vụ nhân dân (8/8/2024) cho tới ngày 25/9 đã vận chuyển gần 1,3 triệu lượt hành khách.
Sản lượng này đã chứng minh hiệu quả thực tế của loại hình đường sắt đô thị.
Có thể thấy, từ khi đi vào vận hành, cả 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội đang vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh, hiện đại.
Cả 2 tuyến đường tàu Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đều được đánh giá là giải pháp quan trọng, căn bản để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong tương lai, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn và sinh thái.
Ưu điểm là rất rõ ràng, tuy nhiên cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng các loại hình giao thông công cộng chưa phát huy hết tiềm năng. Và để tăng sức hút cho các loại hình thày, theo chuyên gia, giai đoạn tới xe, buýt, tàu điện cần tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ.
Cụ thể, theo TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, hiện giá cả đã khá hợp lý, nên chỉ cần tăng cường hơn tính an toàn như khi tiếp cận nhà ga, thay đổi từ phương thức này sang phương thức khác khi đi trên xe buýt.
Ông Trường cho rằng, thành phố Hà Nội cần xác định rõ vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu; tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được tăng tỷ lệ người dân sử dụng làm phương tiện đi lại.
Hướng đến giao thông xanh
Trong khi đó, chuyên gia Phan Lê Bình kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm vấn đề kết nối cho người dân có thể đi xe đạp, xe máy đến nhà ga, trạm xe buýt hoặc sử dụng xe buýt kết nối đến đường sắt đô thị, xe buýt đến tuyến BRT, mới có thể gia tăng khách chọn làm phương tiện đi lại.
Đồng quan điểm, ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhấn mạnh, để vận tải hành khách công cộng thu hút khách cần tập trung vào việc rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ, từ đó tăng sức cạnh tranh với các phương tiện cá nhân; nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên; không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng phương tiện; chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ xe buýt…
Có thể thấy, cả chính quyền thành phố, các chuyên gia và đặc biệt là người dân trên địa bàn Hà Nội đều đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự hoàn thiện của hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là tàu điện và xe buýt. Khi các phương tiện hoàn thiện về cả giá cả, tính an toàn và sự tiện lợi thì tất yếu sẽ tạo ra sức hút lớn hơn.
Thực tế, thời gian qua, bên cạnh thúc đẩy phát triển phương tiện công cộng, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh phát triển giao thông xanh thông qua các hoạt động thiết thực như ban hành Kế hoạch về thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí...
Hà Nội cũng đang xây dựng đề án với mục tiêu từ năm 2026 - 2030, sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy bằng LNG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên có thành phần chính là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), tổng kinh phí dự kiến là 43.000 tỷ đồng.
Hà Nội đã đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5. Và để đạt được mục tiêu này, phát triển giao thông công cộng như tàu đô thị, xe buýt điện, xe đạp công cộng... là một giải pháp tất yếu.
Đông Phong
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//dia-phuong/tang-suc-hut-cho-xe-buyt-tau-do-thi-tai-ha-noi-1102747.html