Tăng thuế là công cụ hiệu quả để hạn chế người dân hút thuốc lá. Ảnh minh họa
Giải pháp đem lại lợi ích kép
Để tác động mạnh đến giá bán của các mặt hàng có hại cho sức khỏe, làm giảm tiêu dùng, khắc phục các hệ lụy nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia và thuốc lá, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã đưa ra 2 phương án tăng thuế và đề xuất áp dụng theo phương án 2 (là phương án tăng thuế triệt để hơn) đối với rượu, bia, thuốc lá.
Điều chỉnh thuế với thuốc lá từ ngày 01/01/2027
Theo dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, mức thuế suất tương đối đối với thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào và các dạng khác là 75%. Từ ngày 01/01/2027, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá điếu là 2.000 đồng/bao và tăng dần lên 10.000 đồng/bao vào năm 2031. Đối với xì gà, mức thuế tuyệt đối từ năm 2027 là 20.000 đồng/điếu và tăng dần lên 100.000 đồng/điếu từ năm 2031. Với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, thuế tuyệt đối từ năm 2027 là 20.000 đồng/100g hoặc 100ml, tăng dần lên mức 100.000 đồng/100g hoặc 100ml từ năm 2031.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, cùng với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ đề nghị áp dụng theo phương án 1 với mức thuế thấp hơn so với phương án 2 và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Đây là chủ trương được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, ủng hộ. Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng đã được nghiên cứu và công bố rất rõ ràng, nhiều đại biểu đề cập đến chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra đang là gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế và ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Bằng chứng từ nhiều quốc gia cũng cho thấy điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, nguồn thu ổn định từ thuế thuốc lá đảm bảo nguồn tài chính cho các chương trình y tế cộng đồng.
Đại biểu nêu ví dụ, tại Philippines, sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012 thì tỷ lệ hút thuốc lá giảm từ 27% xuống còn 19,5%, trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD năm 2012 đã lên 2,9 tỷ USD năm 2022.
Ở Thái Lan, từ năm 1993 đến năm 2017 tăng thuế thuốc lá 11 lần dẫn đến giảm tỷ lệ hút thuốc từ 32% xuống còn 19,1% và thu ngân sách tăng 4 lần, tức là 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD.
Hiện nay, so với các nước ASEAN, Việt Nam đang có mức thuế rất thấp. Thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá là khoảng 36%, thấp hơn nhiều quốc gia như Thái Lan là 78,6%, Philippines là 71,3%, Singapore là 67,5%. Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc loại hàng rẻ nhất Đông Nam Á.
Vì vậy, căn cứ vào thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là theo khuyến cáo của WHO, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá.
Thiết lập cơ chế kiểm soát đồng bộ, liên ngành
Cùng tán thành với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đã đóng góp một số ý kiến để nâng cao hiệu quả chính sách.
Theo đại biểu, cần tiếp tục tăng cường chống buôn lậu thuốc lá tại các khu vực biên giới, đặc biệt là khu vực phía Nam để ngăn chặn hiện tượng thuốc lá lậu tràn vào thị trường nội địa, vừa gây thất thu thuế và vừa mất kiểm soát chất lượng sản phẩm. Bởi, khi tăng thuế thì lợi nhuận từ việc buôn lậu thuốc lá càng lớn nên có thể sẽ gia tăng buôn lậu.
Với nguồn thu thuế từ thuốc lá, đại biểu cho rằng nên dành một phần ổn định cho Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và tập trung vào các hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và tăng cường các dịch vụ y tế cộng đồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi các quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá dưới mọi hình thức, đặc biệt là việc thực thi quy định cấm hút thuốc ở một số khu vực nhất định. "Thực tế hiện nay, những quy định của chúng ta khá rõ ràng, đầy đủ nhưng việc thực thi chưa được nghiêm túc, đặc biệt là những khu vực cấm hút thuốc lá, những khu vực công cộng" - Đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) cũng cho rằng, nếu không có sự giám sát nghiêm ngặt, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể vô tình thúc đẩy hoạt động buôn lậu, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và gây bất ổn cho thị trường trong nước.
Vì vậy, bên cạnh chính sách tăng thuế, cần triển khai mạnh các biện pháp về kiểm soát tốt quản lý thị trường. Đặc biệt là thiết lập cơ chế kiểm soát đồng bộ liên ngành và xử lý nghiêm hàng lậu để đảm bảo mục tiêu kép, tăng thu ngân sách, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng, chống buôn lậu.
Sau khi các đại biểu thảo luận, các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 13/6, theo chương trình dự kiến.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): Vì sinh mạng người dân, xin đừng nương nhẹ
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới đánh giá là một chính sách cùng thắng. Thắng trong bảo vệ sức khỏe và thắng trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc, nằm trong 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới, ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hằng năm ở Việt Nam ước tính lên đến 108.000 tỷ đồng, tức là khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương 1,14% GDP. Vì sinh mạng nhân dân xin đừng chần chừ và nương nhẹ. Dương An (ghi)
ThS.BS. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế): Không nên trì hoãn thêm việc tăng thuế đối với thuốc lá
Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam, năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Nghiên cứu của WHO cho thấy, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0,9 USD/bao, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 - 8.000 đồng/bao. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nếu không đánh vào túi tiền thì sẽ khó có thể ngăn chặn tỷ lệ hút thuốc lá. Tôi rất ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí nên đánh thuế cao hơn cả mức mà dự thảo đưa ra, do tác động tới sức khỏe, tới kinh tế của thuốc lá là rất lớn. Không nên trì hoãn việc tăng thuế với thuốc lá. Thảo Miên (ghi)
TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN): Tăng thuế không làm tăng tiêu thụ thuốc lá lậu
Mối lo ngại về buôn lậu thuốc lá là rào cản đối với chính sách thuế, từ đó làm suy yếu các cải cách chính sách. Lập luận của các bên phản đối tăng thuế thuốc lá là việc tăng thuế sẽ làm tăng tiêu thụ thuốc lá lậu, dẫn tới tăng buôn lậu thuốc lá. Cứ khi nào Nhà nước có ý định tăng thuế thì các công ty thuốc lá lại đưa ra lập luận này.
Tuy nhiên, thực tế, nghiên cứu từ năm 2018 của DEPOCEN cho thấy, khi tăng thuế, tiêu dùng thuốc lá lậu giảm đi chứ không hề tăng lên và thực tế thuốc lá lậu có giá cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp. Khảo sát cho thấy, khi việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới đang được dự thảo, thuế chưa tăng nhưng giá đã tăng. Theo khảo sát, có 26/65 hãng đã tăng giá, mức tăng trung bình 2.000 đồng/bao, khoảng gần 10%. Đồng thời, giá thuốc lá lậu cũng tăng tương ứng, dù thuốc lá nhập lậu không hề chịu thuế.
Vì vậy, những lo ngại kia hoàn toàn không có cơ sở. Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế thuốc lá chính là “thuế sức khỏe”. Tăng thuế là công cụ đặc biệt và quan trọng nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá. Mai Lâm (ghi)
Hoàng Yến