Sáng 7/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Vital Strategies tổ chức hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.
Trình bày một số kết quả nghiên cứu chính, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho hay, Việt Nam phải đối mặt với những hệ lụy kinh tế-xã hội nghiêm trọng do sử dụng thuốc lá gây ra như 40 nghìn người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo năm 2030 sẽ tăng lên 70 nghìn người/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Tổn thất kinh tế-xã hội tương đương khoảng 1% GDP của Việt Nam.
Khung chính sách cho phòng chống tác hại của thuốc lá đã liên tục được điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn trong những năm qua. Trong đó, chính sách thuế đối với thuốc lá đã được lưu tâm hơn. Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tuy nhiên, chưa có sự liên kết trực tiếp với chính sách thuế đối với thuốc lá.
Trong khi đó, thuế thuốc lá ở Việt Nam còn tương đối thấp so với các nước ASEAN và trung bình thế giới. Thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện nay là 75% áp dụng đối với giá xuất xưởng. Giá bán thuốc lá của Việt Nam rất thấp so với các nước khác trong khu vực…
Theo nghiên cứu của CIEM, các kịch bản khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong giai đoạn 2020 – 2023 đều cho thấy khả năng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ thuốc lá, đảm bảo khả năng chi trả cho các sáng kiến SDG mới. Tỷ lệ hộ nghèo đều giảm đặc biệt là với một số nhóm do phụ nữ làm chủ hộ, có trẻ em hoặc người cao tuổi. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và chi SDG giúp giảm bất bình đẳng. Một số địa phương tăng thu đáng kể sau khi tăng thuế; một số địa phương có thể linh hoạt hơn khi sử dụng nguồn thu bổ sung từ thuế cho chi SDG…
Do đó, CIEM khuyến nghị Việt Nam cần nghiên cứu để chuyển sang áp dụng cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với thuốc lá. Việt Nam cần rà soát và nâng cao năng lực để đánh giá định lượng, ở cả cấp vi mô và vĩ mô, đối với các đề xuất chính sách đối với thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như nâng cao năng lực cho các cơ quan thuế ở các tỉnh, thành phố Trung ương nhằm sử dụng công cụ mô phỏng vi mô VNMOD; yêu cầu đưa các nội dung về đánh giá tác động ở cấp vi mô và cấp vĩ mô của các đề xuất, kịch bản tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và các cơ chế chi chuyển giao từ nguồn ngân sách nhà nước trong các đề nghị sửa đổi quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt về thuế đối với thuốc lá;
Nghiên cứu, đề xuất sửa quy định của Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng cho phép gắn một số khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt đặc thù (như thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá) với một số chương trình, hoạt động chi từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ các SDG; Truyền thông thường xuyên, kịp thời và hữu hiệu về yêu cầu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; rà soát, thực hiện các biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho việc thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (chống buôn lậu)…
Theo bác sĩ Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, với hơn 15 triệu người hút thuốc lá chủ động và 30 triệu người hút thuốc thụ động ở Việt Nam, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trong dân số nam trưởng thành ở Việt Nam làm suy yếu lực lượng lao động, giảm khả năng lao động và tổn thất năng suất, làm trầm trọng thêm các nhóm nghèo đói và bất bình đẳng hiện có giữa các nhóm nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất và phần còn lại của dân số.
Vì vậy, bà Phan Thị Hải khuyến nghị cần cải cách chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam có thể làm giảm tác hại của thuốc lá đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, cũng như mang lại những lợi ích đáng kể. Khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ làm tăng giá bán của thuốc lá, điều này ngăn chặn hút thuốc trong giới trẻ và người nghèo và khuyến khích những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc thay vì chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn.
Bác sĩ Hải đề nghị cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức cao hơn đề xuất của Bộ Tài chính. Theo đó, phương án của WHO và Bộ Y tế đưa ra là tăng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và đến năm 2030 đạt 15.000 đồng/bao cùng với tỷ lệ thuế xuất xưởng là 75%.
Với phương án này, Phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng sẽ giúp giảm tương đối 13% tỷ lệ hút thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,4% tương ứng vào năm 2030, do đó đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Phương án này sẽ ngăn ngừa được khoảng 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với mức thuế hiện hành (bao gồm cả người bỏ thuốc lá và không bắt đầu hút thuốc); giúp tăng số thu thuế hàng năm lên 169%, tương ứng thêm 29,3 nghìn tỷ đồng thu thuế từ thuốc lá so với năm 2020.
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.
Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
An Nhiên