Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành phát biểu tại phiên thảo luận
Dịch vụ - công nghiệp tạo động lực tăng trưởng
Tham gia thảo luận, Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành cho biết: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2025 cao hơn so với cùng kỳ và thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước”. Động lực chính đến từ khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, cùng với mức giải ngân đầu tư công đạt 56% kế hoạch, được Chính phủ biểu dương.
2025 là năm Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia, tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành dịch vụ với lượng du khách và doanh thu tăng cao. Song song đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng vượt kỳ vọng. Khu vực công nghiệp - xây dựng cũng có sự bứt phá khi hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy mới đi vào hoạt động. Công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ nhà đầu tư được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực sản xuất.
Về nông - lâm - thủy sản, ông Thành thừa nhận ngành có mức tăng thấp do ảnh hưởng thiên tai và dịch bệnh, tuy nhiên vẫn đảm bảo được sản lượng cần thiết nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt. “6 tháng cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 10%, các ngành phải tập trung kích cầu, thu hút du khách, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là thủy sản”, ông Thành nhấn mạnh.
Một trong những mục tiêu trọng yếu được đặt ra là hoàn thành thu ngân sách Nhà nước với con số phấn đấu lên tới 15.300 tỷ đồng, đòi hỏi các ngành chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ.
Chuyển đổi số - động lực bứt phá
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Xuân Sơn phát biểu tại hội trường: “Chuyển đổi số hiện là một trong những động lực bứt phá mạnh mẽ, đưa Huế vào nhóm 4 địa phương dẫn đầu cả nước”.
Theo ông Sơn, đánh giá của Chính phủ cho thấy, Huế đang dẫn đầu cả nước trong triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp dựa trên dữ liệu số. Đây là thành quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 57 của Quốc hội. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng một số chỉ tiêu hiện vẫn chưa bền vững. “Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP mới đạt 12%, trong khi mục tiêu theo Nghị quyết 57 là 30%; do đó, cần đẩy mạnh giải pháp phát triển kinh tế số”, ông Sơn đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Sơn nêu ý kiến tại phiên thảo luận
Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua cũng là cơ hội lớn để thành phố xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn. Hiện toàn thành phố đã có 4 tổ chức công nghệ công lập; tuy nhiên các hoạt động vẫn còn rời rạc, thiếu liên kết.
Sau 5 năm triển khai phát triển đô thị thông minh, Huế đã ghi nhận những kết quả ấn tượng. Có tới 1,3 triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ đô thị thông minh, riêng người dân Huế chiếm khoảng 900.000 người. "Đáng chú ý, có công dân của hơn 20 quốc gia là người Huế đã kết nối và tương tác với các dịch vụ số của thành phố", ông Sơn cho biết.
Văn hóa - du lịch: Trụ cột phát triển bền vững
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Phan Thanh Hải cho rằng năm 2025 đánh dấu bước tiến lớn của Huế trong quảng bá văn hóa Việt Nam, nhất là trong vai trò đăng cai Năm Du lịch quốc gia. Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao quy mô lớn đã được tổ chức thành công, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách.
“Tuần lễ Áo dài cộng đồng 2025, các festival âm nhạc, thể thao thành tích cao... đều được xã hội hóa, tạo sức hút lớn và góp phần xây dựng thương hiệu Huế”, ông Hải thông tin.
Về bảo tồn di sản, có hai hồ sơ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có bún bò Huế, một biểu tượng ẩm thực đặc trưng. Trong định hướng phát triển tới năm 2030, ngành sẽ ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa trọng điểm, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng du lịch di sản.
Cũng tại phiên thảo luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Đức cho biết: “Từ tháng 3 đến nay, sở đã chủ động triển khai chương trình giảm nghèo bền vững bằng việc phân khai vốn cụ thể cho từng đơn vị và lấy ý kiến các xã, phường. Chúng tôi đề nghị các địa phương khẩn trương vào cuộc để triển khai hiệu quả”.
Đai biểu Phan Thanh Hải nêu ý kiến về lĩnh vực văn hóa
Đại biểu Trần Đức Minh đề cập đến việc cụ thể hóa Nghị quyết 68 nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân. Ông Minh nhấn mạnh: “Cần tạo thuận lợi hơn cho hộ kinh doanh, nhất là trong việc sử dụng hóa đơn. Hiện nay, nhiều hộ vẫn lo ngại về thủ tục quyết toán thuế. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo ngành thuế triển khai cấp hóa đơn điện tử cho các khu vực như chợ đầu mối để khuyến khích tuân thủ pháp luật và tăng thu ngân sách”.
Phát biểu kết luận, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố, ông Lê Trường Lưu đánh giá cao nỗ lực của các sở ngành trong 6 tháng đầu năm, đồng thời nhấn mạnh: “Thành phố đang xây dựng chương trình hành động cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu lớn. Riêng đối với công tác quản lý thuế, cần tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế”.
Ông Lưu đề nghị UBND thành phố sớm cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết của HĐND, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Lê Thọ - Đức Quang