Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài 2: Nỗ lực 'tiêu' hết tiền được giao

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài 2: Nỗ lực 'tiêu' hết tiền được giao
3 giờ trướcBài gốc
Hình mẫu trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nói rằng, việc phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc sẽ góp phần quan trọng thiết lập các hành lang kinh tế, mở ra các không gian kinh tế mới cho các địa phương quanh vùng nói riêng và kinh tế - xã hội cả nước nói chung.
Trong những năm vừa qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy, tạo ra phong trào, xu thế "không chỉ Trung ương mà địa phương cũng làm được".
Nếu như năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án; năm 2023 triển khai đồng loạt thì năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông.
Chưa kể, mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km. Đại hội XIII cũng xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông.
Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông (Ảnh: Phạm Tùng).
Là một trong những bộ ngành đạt kết quả giải ngân cao nhất trong cả nước, tính đến hết tháng 8/2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giải ngân khoảng 35.975 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch đã được giao và cao hơn tỉ lệ chung cả nước.
Báo cáo của Bộ GTVT chỉ ra, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài gần 80 km đã được khánh thành, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã thông xe đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.000km. Đồng thời, cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 60km cũng được khởi công.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sân bay Long Thành, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 Tp.HCM, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô được đẩy nhanh tiến độ, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.
Đặc biệt, với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ. Trong đó, gói thầu nhà ga hành khách đang thi công phần bê tông cốt thép bảo đảm tiến độ yêu cầu và phấn đấu đến tháng 9 chuyển sang lắp dựng kết cấu thép mái; các gói thầu đường cất hạ cánh, tuyến giao thông kết nối đang triển khai đáp ứng tiến độ.
Phối cảnh sân bay Long Thành
Không chỉ tăng tốc giải ngân giai đoạn nước rút cuối năm, Bộ GTVT còn kiến nghị bổ sung thêm gần 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án nhóm B đang khát vốn.
Chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024 diễn ra hồi tháng 7, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ngành GTVT đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua.
Bài học đầu tiên đó là quán triệt và thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác chỉ đạo điều hành thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương chính là yếu tố quyết định trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, Bộ GTVT thực hiện phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, xác định trách nhiệm người đứng đầu gắn với xếp loại và kiểm tra công vụ. Trong phân công nhiệm vụ, Bộ GTVT thực hiện phân công có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, phê bình, kỷ luật, làm việc nào dứt việc đó.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy (Ảnh: VGP).
Thứ ba, Bộ GTVT tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong thời gian nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
"Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được giao trong năm 2024, ngay từ đầu năm Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", ông Huy nói.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh giải ngân đầu tư công của đất nước đó là dự án thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Đường dây 500kV mạch 3 đã lập nên "kỳ tích" mới của ngành điện Việt Nam, được xem là hình mẫu trong giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh:VGP).
Được khởi công ngày 18/1/2024, Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối là một dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô lớn với chiều dài khoảng 519km mạch kép đi qua 9 tỉnh, trong đó 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có tổng số 786/1177 cột, chiếm gần 70% khối lượng thi công với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Theo đánh giá, công trình có khối lượng thi công rất lớn, đồ sộ, thời gian thi công đến khi hoàn thành phải kéo dài từ 3 đến 4 năm, tương tự như các công trình đã triển khai trước đây, trong khi mục tiêu cấp bách Chính phủ đề ra là phải hoàn thành dự án trong thời gian 6 tháng.
Trong quá trình triển khai, Thủ tướng có 10 lần chủ trì các cuộc họp, đến trực tiếp công trường để kiểm tra, đôn đốc. Lãnh đạo Chính phủ nhiều lần đề nghị ngành điện thi công với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", làm việc "3 ca, 4 kíp, liên tục 24/7".
Mục tiêu đề ra hoàn thành trong 6 tháng, nhiều giai đoạn tưởng như không thể hoàn thành được, nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, ngân hàng, nhiều hạng mục của dự án đã được hoàn thành "thần tốc".
Kết quả là, ngày 29/8/2024, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã được khánh thành dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng đã có 10 lần chủ trì các cuộc họp, đến trực tiếp công trường để kiểm tra, đôn đốc Dự án đường dây 500kV mạch 3 (Ảnh: VGP).
Hơn 1 năm trước, khi Thủ tướng giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc EVN nói rằng không ai nghĩ có thể làm được.
"Nhiều người cho rằng đến tháng 6/2024 may ra mới xong được chủ trương đầu tư. Nhưng với tinh thần "chỉ bàn làm không bàn lùi", tất cả bộ ngành, địa phương, người dân cùng tham gia với ngành điện, kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi để đẩy tiến độ dự án. Dự án này đã lập kỳ tích của thời đại mới", ông Tuấn đánh giá.
Như Thủ tướng đã phát biểu tại lễ khánh thành, tinh thần thần tốc "đã ra quân là chiến thắng" của Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, tiếp tục công cuộc phát triển hạ tầng của đất nước.
Qua đó, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng chiến lược mà các kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII đã đề ra, góp phần hoàn thành 2 mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hướng đến chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Nhờ sự thần tốc đó, với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được lấy làm hình mẫu điển hình về chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện "5 quyết tâm", "5 đảm bảo" để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, nhất là đối với các địa phương được giao vốn kế hoạch đầu tư công lớn như Tp.HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Ninh… và các bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn cả nước.
Vướng mắc ở thủ tục giải ngân chứ không phải là do thiếu tiền
Việc làm thủ tục giải ngân vốn đầu tư công đều ở địa phương và các bộ, ngành. Song, điều đáng nói là cùng một thể chế nhưng có nơi làm tốt, nơi chưa tốt. Điều này thể hiện một phần do tổ chức thực hiện ở địa phương chứ không chỉ nằm ở cơ chế pháp luật.
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, Chính phủ đã rất quyết liệt, có nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí đưa ra quy định cán bộ không thực hiện hết chức tránh nhiệm vụ có thể bị xử lý, luân chuyển hoặc cho thôi việc.
Tuy nhiên, thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có một phần do tâm lý e ngại, sợ sai của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong phê duyệt cho việc chuẩn bị các dự án đầu tư công. "Nhiều địa phương đang vướng mắc ở việc giải quyết các thủ tục giải ngân chứ không phải là do thiếu tiền", ông Cường nói.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (Ảnh: QH).
Vị đại biểu cho hay, trong Nghị quyết của Đảng đã có kết luận số 14 về bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Đó là cơ sở để chúng ta có cơ chế bảo vệ họ vượt qua nhưng rào cản, ràng buộc về pháp luật trong giải quyết, thực thi công vụ được giao nhằm mang lại lợi ích chung. Và cơ chế này cần được thực hiện công khai, minh bạch từ trước khi hành động cho đến khi triển khai.
Chia sẻ thêm, GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá, các chính sách ra đời luôn có sự hỗ trợ đồng hành và tương tác nhanh chóng. Những gì cần cho cuộc sống thì chúng ta có khuôn khổ pháp lý để thực thi và khi có rồi thì hành động của Chính phủ rất quyết liệt trong bối cảnh khó khăn. Trong năm qua, có rất nhiều chỉ thị của Chính phủ để giải quyết ách tắc, thậm chí lãnh đạo Chính phủ có nhiều cuộc thị sát tới tận địa bàn.
"Nhiều cuộc họp mà tôi thấy rất hay là giao thời hạn phải xử lý xong việc, rất rõ cho địa phương là đến thời kỳ này phải giải quyết xong. Tôi nghĩ rằng khi đã đặt ra yêu cầu có tính định lượng, thời hạn cũng thể hiện quyết tâm, quyết liệt rất tốt của Chính phủ", ông Cường bày tỏ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Ảnh: TH).
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã được nêu ra rất nhiều và là nguyên nhân chủ yếu bộ, ngành, địa phương nào cũng gặp phải. Tuy nhiên, hiện vẫn vướng ở cách thức tính giá trị đất đai, cách đền bù cho nên công tác này cứ bị giằng co, kéo dài từ năm này sang năm khác.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng đồng tình việc chậm giải ngân còn có nguyên nhân sâu xa từ chính trách nhiệm của người đứng đầu khi nhiều lãnh đạo vẫn mang tâm lý "làm cho xong" để xin được vốn.
Để giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói rằng phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không riêng ở một yếu tố nào.
"Dẫu vậy, với những giải pháp đang được các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai, chúng ta vẫn hy vọng trong những tháng còn lại, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiến triển tốt hơn và tỉ lệ sẽ theo đúng mục tiêu của Chính phủ đề ra là đạt từ 95% trở lên", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Dồn lực cho chặng đua nước rút
Bắc Ninh là một trong những địa phương đang có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 1.866 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch vốn giao (trên 8.558 tỷ đồng).
Do đó, với thời gian từ nay đến cuối năm, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan, chủ đầu tư các dự án định kỳ hàng tuần, hàng tháng phải kiếm đếm tiến độ; giám sát, đôn đốc nhà thầu; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách theo hướng thuận lợi cho người dân trong giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư đưa ra mốc thời gian cụ thể để hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng đang tập trung xây dựng các khu tái định cư làm đòn bẩy cho công tác giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của UBND Tp.Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng vốn đầu tư công mới đạt 14.381 tỷ đồng, tương đương 18% trên tổng số vốn 79.200 tỷ đồng được phân bổ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân là do sự điều chỉnh Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cùng với các quy định mới về cách tính giá bồi thường. Những thay đổi này khiến các dự án phải điều chỉnh phương án bồi thường, gây ra sự chậm trễ. Điển hình như dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (quận 8), tiền bồi thường tái định cư cho hơn 1.600 hộ dân đã tăng từ 3.583 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng khi áp dụng giá đất mới.
Trước những vướng mắc đó, Chủ tịch UBND Tp.HCM đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện ngay trong tuần đầu của tháng 9 này phải cập nhật lại nhiệm vụ giải ngân đến cuối tháng 9, 10, 11, 12 và sang tháng 1 năm sau là bao nhiêu và điều hành từng dự án, từng tháng.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND Tp.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện giao nhiệm vụ cho từng ban, từng tổ dự án và chịu trách nhiệm về việc đó.
Để đẩy mạnh đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương ngoài việc chủ động nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các chế độ, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng cũng phải yêu cầu các chủ đầu tư tranh thủ mặt bằng sạch tới đâu, triển khai thi công dự án đến đó.
Đồng thời, tập trung hoàn thành hồ sơ quyết toán dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất để giao đất cho nhà đầu tư, tăng nguồn thu từ quỹ đất.
Bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện công khai quy trình tiếp nhận, kiểm soát, luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư công qua cổng dịch vụ công trực tuyến của kho bạc để thời gian kiểm soát được rút ngắn và công khai, minh bạch hơn, giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND Tp.Trần Sỹ Thanh cũng ban hành văn bản về việc triển khai một số yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý đầu tư công.
Đón đọc >>> Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài 3: Tháo điểm "nghẽn" do cơ chế thủ tục
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-bai-2-no-luc-tieu-het-tien-duoc-giao-204240919113815947.htm