Đà phục hồi qua từng tháng
Kinh tế Việt Nam 2024 đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực được dẫn dắt bởi sản xuất, xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tuy nhiên vẫn có những nốt trầm như tiêu dùng bán lẻ phục hồi chậm hơn dự kiến, cặp tỷ giá USD-VND biến động khó lường... Mức độ cải thiện của những nốt trầm này đến đâu sẽ là "ẩn số" cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.
Sau khởi đầu khó khăn trong quý 1/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.
Đặc biệt, sản xuất là động lực tăng trưởng của nền kinh tế từ nửa sau của năm 2024. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này được củng cố bởi dữ liệu thương mại tích cực, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thu hút FDI mặc dù có chậm lại trong quý 3 nhưng vốn thực hiện qua 11 tháng vẫn tăng 7,1%, đạt 21,68 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Trong đó, các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay.
Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý III/2024, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.
Ngoài những gam màu sáng, HSBC cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn có những khoảng lặng cần cải thiện. Ví dụ như các tác động từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ. Với việc các chỉ số liên quan tiêu dùng của Mỹ cao hơn các dự báo phần nào giải thích tại sao xuất khẩu sản xuất của Việt Nam vẫn là ngành có khả năng phục hồi tích cực nhất trong thời gian gần đây.
Ông Vũ Bình Minh, CFA, Giám đốc Kinh doanh Trái phiếu và Sản phẩm lãi suất, Khối Thị trường vốn và Dịch vụ Chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, mặt trái của điều này là Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nhất trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Hoa Kỳ từ các nền kinh tế trung gian.
“Việt Nam có mức độ xuất khẩu cao nhất vào thị trường Hoa Kỳ, dẫn đầu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất bằng gỗ và máy móc. Với việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, các chính sách liên quan đến thương mại và hàng rào thuế quan có thể là những thách thức cho những dự báo về tăng trưởng thương mại trong tương lai gần,” ông Minh nhận định.
Ngoài ra, tiêu dùng bán lẻ trong nước có đà phục hồi chậm hơn dự kiến, thấp hơn trước đại dịch và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm đạt lại đà tăng trưởng.
HSBC đã đưa ra những rủi mà kinh tế Việt Nam có thể đối diện trong năm 2025. Ngoài giá năng lượng toàn cầu, theo HSBC, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi. Hay là những rủi ro liên quan đến thuế quan khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025 tới.
Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 của Quốc hội, có 15 chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội quyết nghị, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Có cơ sở để đạt mục tiêu 7-7,5% trong năm 2025
Xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 7 - 7,5% trong bối cảnh, tình hình thuận lợi hơn.
Theo VinaCapital, năm 2025 sẽ có nhiều biến động đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2025, sự sụt giảm xuất khẩu có thể sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam so với kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế. Sự giảm sút này có thể sẽ thúc đẩy các hành động quyết liệt của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh các mục tiêu tăng trưởng GDP cao.
Trong ngắn hạn, có thể Chính phủ sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ vào tình hình tài chính vững mạnh (nợ công hiện dưới 40% GDP). VinaCapital kỳ vọng, Chính phủ sẽ có những bước đi cụ thể để hỗ trợ thị trường bất động sản trong năm tới. Quy trình quy hoạch và phê duyệt dự án kéo dài là rào cản lớn nhất đối với việc đẩy mạnh phát triển bất động sản, nhưng theo VinaCapital, một số phê duyệt dự án hiện đang được đẩy nhanh.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, mục tiêu 6,5 - 7%, phấn đấu 7,5% là khả thi nếu so sánh kết quả đạt được 2024 và triển vọng, tình hình chung thế giới và trong nước năm 2025 (cũng nằm trong dự báo sau điều chỉnh của các tổ chức vĩ mô quốc tế và trong nước).
Nhận định về năm 2025, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí, thời gian tới, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn từ các công ty Hoa Kỳ và châu Âu. Cũng tại 2 thị trường lớn này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng thị phần rất tốt. "Việt Nam cần tận dụng cơ hội tăng trưởng đến từ các ngành như công nghệ cao, công nghệ xanh và các dịch vụ giá trị gia tăng.Đơn cử như việc nắm bắt cơ hội từ sự hiện diện của người khổng lồ - Tập đoàn NVIDIA tại đất nước chúng ta", Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị thêm.
Nhận xét Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, thậm chí là nhanh nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong năm 2024, giữa bối cảnh suy thoái toàn cầu là cú sốc đối với tất cả các quốc gia, ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025.
"Cần phải nói thêm là Việt Nam rất linh hoạt và tận dụng hiệu của các cơ hội để hút nguồn lực đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, Việt Nam đã có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đặc biệt là sự cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các quy định và thủ tục hành chính; ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân… Cộng đồng quốc tế cũng rất đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh", ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên VTV Times.
Bên cạnh những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn của Việt Nam, Chính phủ cũng đang thực hiện một số bước để thúc đẩy tăng trưởng GDP dài hạn. Các biện pháp này gồm các cải cách cơ cấu, một số trong đó sẽ có hiệu lực vào năm tới và có thể giúp giải nhiệt thị trường bất động sản và cải thiện thứ hạng về chỉ số thuận lợi kinh doanh.
Minh Thành