Ảnh minh họa.
Ngày 4/7, Ủy ban nhân dân TP.HCM (mới) tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, theo hình thức trực tiếp tại Ủy ban nhân dân Thành phố và trực tuyến đến 168 phường, xã, đặc khu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Được nhận định tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM (mới) 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá, tuy nhiên 6 tháng cuối năm dự báo nhiều khó khăn khi thị trường thế giới có nhiều biến động.
ĐẦU TƯ CÔNG BỨT PHÁ
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Công Vinh cho biết tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt một số kết quả tích cực.
Theo báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM (cũ) ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024. Thu ngân sách ước đạt 322.000 tỷ đồng, đạt hơn 62% dự toán.
Trong đó, khu vực dịch vụ góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58% và chiếm 66,3% cơ cấu GRDP.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tổng thu tăng 27,3%. Kim ngạch xuất và nhập khẩu đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 31,6 tỷ USD và 24,9 tỷ USD. Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghệ (IIP) tăng 8,6%, cao hơn mức cùng kỳ (5,6%).
Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của TP.HCM (cũ) 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ - Nguồn: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước khu vực 2, đến hết ngày 30/6, tổng số vốn Thành phố đã giải ngân là 31.716 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,1%. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân là 2.762 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60%, vốn ngân sách địa phương giải ngân là 28.954 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 35,8%.
Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết kết quả nêu trên vượt 10% so với kế hoạch đã đề ra theo Kế hoạch giải ngân số 1451/KH-UBND của Thành phố (tỷ lệ 27%), có thể nhận định là tích cực so với cùng kỳ năm 2024, cao hơn cả về giá trị tuyệt đối và cả về tỷ lệ, thể hiện sự nỗ lực của các cấp chính quyền Thành phố trong thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công các tháng đầu năm 2025.
GRDP TP.HCM MỚI TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, nếu tính theo TP.HCM (mới), GRDP tăng trưởng ước đạt 7,4%.
Trong đó, tính chung tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Thành phố mới tăng 16,2%; tổng thu hút vốn FDI 3 địa phương đạt hơn 5,2 tỷ USD; thu ngân sách Thành phố mới ước đạt 415.000 tỷ, đạt 60% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công Thành phố mới ước 46.800 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Toàn cảnh phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do Ủy ban nhân dân TP.HCM (mới) tổ chức ngày 4/7 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết vấn đề quy hoạch hiện nay ba địa phương trước sáp nhập đã công bố các đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, sắp tới phải có sự điều chỉnh ở góc độ rộng hơn, với tầm nhìn và chiến lược mới, tận dụng được lợi thế của ba địa phương. Trong đó phải đặt mục tiêu TP.HCM mới vào top 100 thành phố đáng sống trên thế giới.
Tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Dương (cũ) 6 tháng đầu năm đạt 8,3%, thu ngân sách ước 44.800 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.231 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 31,4%.
Tăng trưởng GRDP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,61%, thu ngân sách ước 48.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.300 tỷ đồng, đạt 39% vốn.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó với những thách thức từ thị trường, nhất là các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa để giao cho khách hàng nước ngoài.
Triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2025, Ủy ban nhân dân TP.HCM đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2025 - 2030 phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế; chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh.
KIÊN ĐỊNH VỚI MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG NĂM 2025
Trước đó, chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025.
Phát biểu tại phiên họp chiều 3/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành, TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả về kinh tế - xã hội khá tích cực.
Về công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành, trên toàn địa bàn TP.HCM, 168 xã, phường, đặc khu đã hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, vận hành thông suốt. Đến thời điểm này, người dân rất đồng tình, chưa có trục trặc gì trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân ở 168 xã, phường, đặc khu.
Tuy nhiên, có một vấn đề là thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính (người dân có thể thực hiện bất kỳ nơi nào) thì hiện nay, TP.HCM cũ chưa triển khai trung tâm hành chính công, nên phấn đấu đến cuối năm nay, Thành phố sẽ giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính.
Về tháo gỡ cho các doanh nghiệp, TP.HCM đã chủ động tháo gỡ, đến nay đã tháo gỡ được 70 dự án để khơi thông nguồn lực trên 400 tỷ đồng, tạo lại niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn tiếp tục tin tưởng và quay trở lại TP.HCM để đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Được, kinh tế 6 tháng cuối năm trong bối cảnh sắp tới chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của Thành phố, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, Thành phố quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đã chỉ đạo là đạt từ 8-8,5 %, làm cơ sở để tăng trưởng 2 con số trong thời gian sắp tới.
Để thực hiện các giải pháp phát triển, TP.HCM tập trung vào việc tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo hoạt động thông suốt, không gián đoạn.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác là điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố mới (sau sáp nhập) nhằm phân công lại chức năng kinh tế. Theo đó, TP.HCM cũ sẽ trở thành trung tâm tài chính và công nghệ cao, Bình Dương cũ là thủ phủ công nghiệp, và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ là thủ phủ kinh tế biển. Song song đó, Thành phố cũng chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội Đảng bộ.
Về kinh tế, Thành phố tiếp tục dựa vào 3 động lực tăng trưởng truyền thống gồm: đẩy mạnh đầu tư công với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm (Quốc lộ 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 3, 4); thúc đẩy sản xuất công nghiệp và tiêu dùng nội địa.
Đồng thời, TP.HCM đang đẩy nhanh việc hình thành các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể là việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư, phát triển cụm cảng chuyên dùng Cái Mép và Cảng biển Cần Giờ.
Thanh Thủy