Cục Trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Họp báo.
Phát biểu tại Họp báo, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; thách thức đối với đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng... ngày càng gia tăng. Lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương, điều kiện thị trường tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng suy giảm.
Trong nước, với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc theo dõi chặt chẽ biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận những kết quả rất tích cực.
Cục Thống kê trả lời câu hỏi của các đại biểu tại Họp báo.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm 2024 - Đây là mức cao nhất của6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2024, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1%, đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Tốc độ tăng/giảm IIP 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%).
Có 62/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2024, riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Phú Thọ tăng 46,6%; Nam Định tăng 33,0%; Bắc Giang tăng 27,5%; Thái Bình tăng 25,3%; Hà Nam tăng 22,8%; Vĩnh Phúc tăng 18,8%; Quảng Ngãi tăng 18,3%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Huế tăng 42,9%; Quảng Ngãi tăng 18,7%; Hà Nam tăng 13,0%; Nam Định tăng 11,6%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024,
6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỷ đồng, Tổng số lao động đăng ký gần 591,1 nghìn lao động, tăng 11,8% về số doanh nghiệp, tăng 9,9% về số vốn đăng ký và tăng 13,9% về số lao động so với cùng kỳ năm 2024.
Cả nước có hơn 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm các năm 2021-2025.
Về du lịch với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2024, cao hơn mức tăng 6,6% cùng kỳ 6 tháng năm 2024. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước là 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024, đạt mức cao nhất 6 tháng đầu năm của các năm từ 2021 đến nay.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 53,0 triệu người, tăng 542,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,2%.
Số lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2025 là 51,9 triệu người, tăng 538,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững, khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 798,1 nghìn người, giảm 142,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,22%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 3,9%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024.
Chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025 là 29,0%, tăng 1,0 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2024. Thu nhập bình quân của người lao động là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 760 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Đánh giá về tình hình những tháng còn lại của năm 2025, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định: Kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ từ các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8,0% của năm 2025, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự ủng hộ, hỗ trợ của ban bè quốc tế. Các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện 5 nhiệm vụ:
Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế…;
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ thương mại hài hòa, bền vững…;
Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tiếp theo của năm 2025…;
Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế…;
Thực hiện có hiệu quả và kịp thời các chính sách an sinh xã hội.
Toàn cảnh Họp báo.
Tại Họp báo, Cục Thống kê trả lời thỏa đáng các câu hỏi của phóng viên về tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong 6 tháng qua và nhận định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2025.
Trang Nguyễn