Tăng trưởng tín dụng: Niềm tin 'cán đích' nhưng vẫn còn những băn khoăn

Tăng trưởng tín dụng: Niềm tin 'cán đích' nhưng vẫn còn những băn khoăn
2 giờ trướcBài gốc
Những tháng gần đây tín dụng có tín hiệu cải thiện. Ảnh minh họa
Niềm tin “cán đích”?
Diễn biến 2-3 tháng gần đây cho thấy, tín dụng có tín hiệu cải thiện. Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 30/9, tín dụng toàn hệ thống tăng 9% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ tăng 6,92%). Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 9 và tuần cuối tháng 8 đã lên tới 2,37%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 0,8% mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm. Với tín hiệu tích cực đó, tín dụng có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 15% cả năm, theo lãnh đạo NHNN. Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng thể hiện rõ “quyết tâm cao, nỗ lực lớn” để đạt được mục tiêu này.
Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Niềm tin “cán đích” tăng trưởng tín dụng liệu có trở thành hiện thực khi chỉ còn chưa đầy một quý là kết thúc năm 2024? Trả lời cho câu hỏi này, nhiều chuyên gia đều có chung quan điểm: Tăng trưởng tín dụng mang tính chu kỳ, tức là thường tăng nhanh, chảy mạnh vào nền kinh tế dịp cuối năm. Tính chu kỳ này hiện diện rõ qua các năm. Gần nhất là năm 2023, trong tháng cuối năm, tín dụng đã tăng rất mạnh với hàng trăm nghìn tỷ đồng, đưa tăng trưởng dư nợ toàn ngành đạt gần 14% - phù hợp với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. “Việc hấp thụ vốn cuối năm thường cao hơn, thậm chí quý cuối có thể gấp 2 lần hoặc 3 lần nhu cầu so với các quý trước, do nhu cầu dòng tiền phục vụ đơn hàng cuối năm, sản xuất kinh doanh mùa lễ tết” - chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhận định.
Thêm cơ sở tạo động lực và niềm tin cho tăng trưởng tín dụng, theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - là “đà phục hồi kinh tế gắn với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% của Chính phủ, vượt mức Quốc hội giao (6-6,5%)”. Báo cáo của Chính phủ cho thấy nền kinh tế có tín hiệu tích cực khi GDP quý III/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất kể từ quý IV/2022, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82% và ước cả năm đạt 6,8-7%. Trên đà phục hồi của nền kinh tế, các công ty nghiên cứu thị trường cũng như các chuyên gia kinh tế đều nhận diện rõ những động lực cho tăng trưởng tín dụng cuối năm đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu, dòng vốn FDI, bất động sản, cho vay bán lẻ.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là chính sách của NHNN. “Áp lực tỷ giá giảm và khả năng NHNN có thể giảm lãi suất điều hành sẽ giúp duy trì lãi suất ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn”, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) - dự báo. Cùng với đó, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ việc đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lâm, thủy sản; tín dụng ưu đãi cho Dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Đồng bằng sông Cửu Long; chủ trương mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống, tiêu dùng và hoạt động cho vay tái thiết sau bão số 3 của các ngân hàng.
Còn đó những băn khoăn
Như vậy, dư địa cho tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều và niềm tin “cán đích” 15% cả năm hoàn toàn có cơ sở. Thế nhưng, “mục tiêu đó chỉ có thể đạt được nếu hệ thống ngân hàng và các cơ quan quản lý thực hiện nhịp nhàng, hài hòa, vừa đẩy mạnh tín dụng, vừa đảm bảo chất lượng tín dụng bền vững” - ông Nguyễn Quang Huy (CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi) khuyến nghị, đồng thời lưu ý thêm: “Việc đạt mục tiêu 15% tín dụng không chỉ dừng lại ở giải ngân nhanh chóng mà còn đòi hỏi các ngân hàng phải quản trị rủi ro chặt chẽ. Nếu các tiêu chuẩn tín dụng bị hạ thấp để tăng trưởng, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang phục hồi sau khó khăn từ đại dịch và tác động kinh tế toàn cầu”.
Trong hoạt động ngân hàng, an toàn hệ thống luôn là yêu cầu vô cùng quan trọng. Bởi vậy, dù khá tin tưởng vào việc tăng trưởng tín dụng sẽ về đích nhờ sự phục hồi của nền kinh tế cộng thêm ổn định của mặt bằng lãi suất cho vay nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cho rằng không nên theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng một cách cứng nhắc mà phải bảo đảm chất lượng. “Nếu chúng ta cứ bằng mọi giá phải đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì một lượng tiền rất lớn sẽ đổ vào trong lưu thông và điều này có thể tạo ra lạm phát. Khi nền kinh tế có quá nhiều tiền thì hậu quả từ những năm trước sẽ lặp lại, đó là dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản, làm tăng lạm phát và gây ra nhiều hậu quả khác cho nền kinh tế” - TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán.
Chất lượng tín dụng cũng là vấn đề mà TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán bởi theo ông, nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng là câu chuyện trước mắt trong bối cảnh chúng ta cần nguồn lực lớn để phục hồi và nguồn vốn này hiện vẫn chủ yếu trông đợi vào hệ thống ngân hàng. Nhưng về dài hạn, TS. Võ Trí Thành không khỏi băn khoăn với bài toán điều hành tín dụng: “Chúng ta không thể cứ mãi tăng trưởng tín dụng ở mức hai con số khi các tổ chức quốc tế đã cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao và gia tăng theo từng năm, tiềm ẩn rủi ro lớn, gây bất ổn vĩ mô. Do đó, vấn đề quan trọng trong dài hạn chính là tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng và phát triển thị trường vốn”./.
THÀNH ĐỨC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/tang-truong-tin-dung-niem-tin-can-dich-nhung-van-con-nhung-ban-khoan-35769.html