Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Xin phép nâng tuổi hưu cấp tướng lên 60 tuổi"
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là nâng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan cấp tướng với nữ từ 55 lên 60 tuổi, với nam giữ nguyên 60 tuổi như luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhất trí với việc nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Theo ông Thắng, cần phát huy, trọng dụng sự cống hiến phục vụ trong quân đội với đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe và bảo đảm chế độ chính sách cho họ khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên). Ảnh: QH
Tuy nhiên, ông băn khoăn khi dự thảo luật quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội cao nhất là 60 tuổi. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 để bảo đảm trọng dụng nhân tài và tương quan giữa hai lực lượng quân đội và công an.
“Lộ trình tăng tuổi phục vụ tại ngũ cấp tướng công an là 62 tuổi với nam vào năm 2028, cũng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”, ông Thắng nói.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị kéo dài tuổi phục vụ nhưng không quá 62 đối với nam và 60 đối với nữ.
Nội dung cụ thể nên giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Quốc phòng quy định. Lúc đó, Bộ trưởng hoặc Chính phủ sẽ quy định cụ thể tăng như thế nào và tăng trường hợp nào.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho rằng, sĩ quan cấp tướng thì có thể công tác lâu hơn, bởi ở chức vụ cao, cường độ làm việc bằng sức khỏe không cần nhiều hơn so với cấp dưới.
Tuy nhiên, theo ông Giang, cấp tướng 62 tuổi nghỉ hưu, mà cấp tá 58 tuổi đã nghỉ hưu, như vậy cấp tá không lên cấp tướng được, trong khi trong lực lượng quân đội có rất nhiều cấp, chức vụ khác nhau.
“Cho nên, chúng tôi xin phép nâng tuổi hưu cấp tướng lên 60 tuổi như dự luật”, Đại tướng Phan Văn Giang nói.
Ông thông tin thêm, lực lượng trong quân đội có rất nhiều sĩ quan như sĩ quan chỉ huy, sĩ quan chính trị, sĩ quan hậu cần, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật…
“Quan điểm của chúng tôi vẫn phải nuôi quân 3 năm, sử dụng 1 giờ, cho nên thời bình cũng phải rèn quân làm sao để đến khi có tình huống phải xử lý được”, Đại tướng Phan Văn Giang lý giải.
Giám đốc Công an là thiếu tướng, chỉ huy trưởng quân sự cũng phải thiếu tướng thì “khó thật”
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm khi dự thảo luật đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội cấp úy, cấp tá lên 1-4 năm.
Cụ thể, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50; thiếu tá từ 48 lên 52; trung tá từ 51 lên 54; thượng tá từ 54 lên 56; đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 (đối với nữ) lên 58 (không phân biệt nam, nữ).
Đại biểu Lữ Văn Hùng (đoàn Bạc Liêu) đề nghị nghiên cứu cấp quân hàm của chỉ huy trưởng quân sự thành phố. Theo ông, cần xem xét nghiên cứu cho tương xứng khi giám đốc công an là thiếu tướng mà chỉ huy trưởng quân sự chỉ là đại tá, trong khi cả hai đều là ủy viên thường vụ tỉnh ủy.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: QH
Lý giải về vấn đề trên, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, nếu quy định giám đốc công an là thiếu tướng, chỉ huy trưởng quân sự phải thiếu tướng thì "chúng tôi thấy khó thật”.
Bộ trưởng phân tích, giám đốc công an tỉnh chỉ có 1 thiếu tướng nhưng chỉ huy trưởng quân sự tỉnh liên quan đến chính ủy, rồi chỉ huy trưởng biên phòng tỉnh cũng liên quan đến chính ủy. 4 vị trí này như nhau mà lại chỉ chọn 1 để phong tướng thì “khó cân lắm”.
Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng đề nghị, vị trí này "chúng tôi đề nghị vẫn là đại tá”, bởi nhiệm vụ của công an và quân đội khác nhau dù đều là lực lượng vũ trang trong giai đoạn thời bình.
Thu Hằng