Cà Mau có lợi thế vùng biển rộng, trữ lượng thủy hải sản phong phú về chủng loại, cùng với đó là đội tàu khai thác đánh bắt xa bờ ngày càng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo vươn khơi bám biển dài ngày. Theo đó, đánh bắt thủy hải sản là lĩnh vực rất quan trọng, chiếm khoảng 43% trong tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y, cho biết, toàn tỉnh hiện có 4.440 phương tiện khai thác thủy sản với tổng công suất 667.314 KW, trong đó có 1.551 phương tiện có chiều dài hơn 15 m khai thác dài ngày trên biển có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS, sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 237.000 tấn, trong đó có 10 ngàn tấn tôm.
Cảng cá thị trấn Sông Ðốc nhộn nhịp tiếp nhận, bốc dỡ thủy sản sau khai thác. Ảnh: HỒNG NHUNG
Ngoài khai thác, vùng biển Cà Mau rất thích hợp cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ như: nuôi cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng... mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài nuôi cá, nhiều bà con ngư dân các huyện ven biển như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Ðầm Dơi còn phát triển mạnh nghề nuôi nghêu, hàu lồng.
Ðể tăng giá trị đánh bắt, góp phần làm tăng khả năng bám biển dài ngày cho các phương tiện đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng phát triển mạnh, các đội tàu này đảm bảo cung ứng, tiếp tế hàng hóa và thu mua thủy hải sản cho các tàu khai thác xa bờ. Hoạt động của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá giúp giảm chi phí, thời gian cho các phương tiện khai thác thủy sản khi ra vào bờ. Ông Sĩ thông tin: “Trong những năm qua, lĩnh vực khai thác đánh bắt thủy sản được đầu tư phát triển mạnh. Các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh, trú bão đã phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân ra, vào an toàn, giúp ngư dân an tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển”.
Với lợi thế phát triển kinh tế biển, hằng năm xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt từ 1,1-1,2 tỷ USD. Ảnh: HỒNG NHUNG
Theo ông Sĩ để hoạt động khai thác thủy sản phát triển bền vững, thời gian qua, Cà Mau triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ðặc biệt là thực hiện Chỉ thị 17 về chống khai thác hủy diệt; tái tạo nguồn lợi thủy sản (NLTS), đẩy mạnh chuyển đổi nghề khai thác mang tính sát hại nguồn lợi và tiến tới chấm dứt các nghề sát hại NLTS và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; đồng thời tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ NLTS, triển khai thực hiện nhiều dự án, mô hình hướng đến việc bảo vệ và tái tạo NLTS như: thả giống tái tạo NLTS, thả rạn nhân tạo, thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo vệ NLTS.
Công ty TNHH MTV Quốc Ðạt (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) với 10 tàu cá thu mua hải sản, làm dịch vụ hậu cần nghề cá, đóng góp khá lớn tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: H. N
Với chiều dài bờ biển 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, thời gian qua, huyện U Minh tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững. Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết, hiện toàn huyện có 1.070 phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển với 4.231 thuyền viên, trong đó có 502 tàu dưới 12 m, 328 tàu từ 12 đến dưới 15 m, 234 tàu trên 15 m (đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình). Tổng sản lượng khai thác thủy sản từ đầu năm đến nay 24.497 tấn, đạt 32% so kế hoạch.
“Cùng với đó, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội đang được triển khai xây dựng. Khi dự án này hoàn thành, cùng với các cơ sở hạ tầng hiện có sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, nhất là người dân ở các khu dân cư ven biển trên địa bàn huyện, tạo không gian và bước phát triển mới đối với kinh tế biển của huyện”, ông Lê Hồng Thịnh nhận định.
Ngư dân Trần Văn Út, Ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, phấn khởi: “Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên việc khai thác của ngư dân đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành quan tâm vào cuộc quyết liệt chống khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt nên NLTS dần phục hồi. Từ đó, việc khai thác, đánh bắt của người dân đạt hiệu quả”.
Bên cạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, thăm dò khoáng sản, thì phát triển năng lượng tái tạo cũng là điểm sáng của ngành công nghiệp của tỉnh. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW. Trong đó, có 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 800 MW, có 170 MW đã vận hành thương mại; 2 dự án tổng công suất 200 MW đã được nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng khẩn trương triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc từ Cà Mau đến Ðất Mũi và từ Ðất Mũi tới Cảng Hòn Khoai để phát triển hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ tại vùng cực Nam Tổ quốc và đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển kinh tế biển không chỉ là khát vọng của ngư dân qua bao đời gắn bó với biển, mà còn là mục tiêu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân nhằm tìm ra hướng khai thác, phát triển bền vững trong tương lai./.
Trung Ðỉnh