Hướng tới lối sống xanh và bền vững
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức đặc thù của một đô thị đang phát triển như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, áp lực về xử lý rác thải, nhưng Hà Nội đã có những bước đi đáng ghi nhận.
Hà Nội đang tích cực triển khai các hành động cụ thể để hướng tới lối sống xanh, bền vững, tiếp tục phát triển để ngày càng sạch, đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Điển hình, vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội vẫn đang là một vấn đề cấp bách. Việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, hoạt động xây dựng và công nghiệp đã góp phần làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Để giải quyết vấn đề này, TP. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp như đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.
Chẳng hạn như việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội,... là những nỗ lực đáng kể nhằm giảm thiểu lưu lượng xe cá nhân, tăng cường giao thông công cộng, hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.
Tiếp đến là các dự án cải tạo sông Tô Lịch, xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp đang được triển khai nhằm hồi sinh dòng sông. Vấn đề xử lý rác thải cũng được Hà Nội chú trọng.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang khuyến khích phân loại rác tại nguồn, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại được triển khai. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của cả cộng đồng.
Những nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng lối sống xanh và bền vững không chỉ mang ý nghĩa địa phương mà còn góp phần vào nỗ lực chung của cả nước và thế giới. Chẳng hạn, việc Hà Nội khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xe đạp không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí trong thành phố, mà còn góp phần giảm lượng khí thải nhà kính, một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tương tự, việc cải tạo sông Tô Lịch không chỉ cải thiện môi trường sống cho người dân Hà Nội mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái sông ngòi, một phần quan trọng của đa dạng sinh học. Các chuyên gia môi trường nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể tách rời những vấn đề toàn cầu.
Những hành động mặc dù ở cấp độ địa phương, nhưng đều có tác động đến môi trường toàn cầu. Do đó, việc Hà Nội hướng tới lối sống xanh và bền vững không chỉ cho thấy đi đúng xu hướng phát triển với một quyết tâm cao mà còn góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của cả nước trong việc cải thiện vấn đề của toàn cầu.
Hà Nội đô thị của cây xanh, mặt nước
Trải qua bao biến đổi, đặc biệt là quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội vẫn là đô thị của cây xanh, mặt nước. Đây là lợi thế rất lớn của Hà Nội cần phải phát huy. Trong Luật Thủ đô sửa đổi đã đề cập đến yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học của Hà Nội. Cụ thể, Điều 28 chỉ rõ: Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Hà Nội được hình thành từ châu thổ sông Hồng, đặc trưng địa lý có hệ thống sông ngòi, hồ đầm lớn nhỏ, dày đặc, nên gọi là "thành phố sông hồ". Hệ thống sông hồ trong nội đô Hà Nội không chỉ là dòng chảy của tự nhiên, mà còn là dòng chảy của văn hóa, lịch sử trên mảnh đất kinh kỳ. Những dòng sông chứa trong đó cả chiều sâu lịch sử và bề dày của văn hiến Thăng Long.
Chính với đặc thù "thành phố sông hồ", trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Luật Thủ đô sửa đổi... đã thể hiện rõ những lợi thế vốn có từ địa lý, văn hóa... tạo lá phổi xanh, không gian xanh, bảo đảm cho cuộc sống xanh cho Hà Nội.
Luật Thủ đô sửa đổi – cơ chế mở để Hà Nội luôn xanh
Luật Thủ đô sửa đổi đã tạo cơ chế mở để Hà Nội phát triển bền vững, nhất là phát triển xanh, thân thiện với môi trường. Chia sẻ với báo chí, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, vấn đề môi trường Hà Nội đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết số 15-NQ/TƯ nêu rõ: "Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch".
Trong Luật Thủ đô sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) có những cơ chế đột phá, vượt trội để bảo vệ môi trường. Trong đó, điểm nổi bật của Luật là đề ra giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch; có các điều khoản hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Tại Kỳ họp thứ 20 (tháng 12/2024), HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội (thựchiện Điểm a, Khoản 2, Điều 28, Luật Thủ đô). Theo đó, từ năm 2025, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm Đề án giảm thiểu phát thải giao thông tại quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình. Đặc biệt, vấn đề này cũng được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII: Một trong những nội dung quan trọng của thành phố thời gian tới là khắc phục triệt để, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong bảo đảm môi trường nước thải, rác, không khí.
Kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, nhất là sông Tô Lịch phải xử lý sớm, đồng bộ và có hiệu quả, bảo đảm các dòng sông trong nội đô sạch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, thành phố phải quyết liệt làm để trước dịp kỷ niệm ngày 2/9/2025 sông Tô Lịch sẽ "trở thành dòng sông thơ mộng", là niềm tự hào của người dân Thủ đô.
Để Thủ đô Hà Nội ngày một xanh hơn
Chia sẻ về những giải pháp để Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững và xanh hơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho rằng, ngoài sự quyết liệt của các cấp chính quyền, thì người dân đóng vai trò chủ thể trong việc bảo vệ môi trường sống. Cần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường" trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời kêu gọi người dân phát hiện, tố giác và báo tin để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý những hành vi đổ chất thải trái phép.
Ông Lê Thanh Nam cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi với các điều, khoản quy định cụ thể về vấn đề môi trường sẽ là khung pháp lý để chính quyền và nhân dân cùng thực hiện.
"Để Luật đi vào đời sống, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động, như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố", ông Lê Thanh Nam cho hay.
Theo Chinhphu.vn