Tạo cơ chế thuận lợi trong xử lý nợ xấu

Tạo cơ chế thuận lợi trong xử lý nợ xấu
15 giờ trướcBài gốc
Nợ xấu có xu hướng gia tăng
Theo số liệu từ Viện Đào tạo và nghiên cứu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết cuối quý I-2025 ở mức 2,2%, tăng so với mức 1,9% cuối năm 2024 (riêng nợ nhóm 5-nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 1,25% tổng dư nợ cho vay, tăng 10,7% so với cuối năm 2024). Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 91% cuối năm 2024 xuống còn 80% cuối quý I-2025 cũng cho thấy khả năng bù đắp rủi ro của các ngân hàng đang suy giảm.
TS, luật sư Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài thương mại và đầu tư Việt Nam (VTIAC), nhận định: “Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng tăng lên là xu hướng không tránh khỏi khi xét đến một số yếu tố trong nước và các biến động của kinh tế thế giới thời gian qua. Người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu và không ít doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong kinh doanh do mức tiêu thụ hàng hóa bị giảm sút. Điểm đáng lưu ý là thời gian qua, dòng tiền đổ vào nhà đất tăng mạnh do các ngân hàng nới lỏng cho vay bất động sản để duy trì tăng trưởng. Điều này mặc dù đem lại lợi nhuận tốt cho ngân hàng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá nhà đất đã tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có sự tăng mạnh về tỷ lệ nợ xấu trong 6 tháng đầu năm như SaigonBank, VIB, PGBank...”.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, nếu cộng cả nợ xấu ngoại bảng (được xử lý bằng cách trích lập dự phòng rủi ro và theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán) và nợ bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thì nợ xấu của toàn ngành ngân hàng cao hơn nhiều so với các con số được công bố. Nguyên nhân của tình trạng này do kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, dễ bị tổn thương trước các biến động toàn cầu, điển hình là chính sách thuế quan từ Mỹ. 6 tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn ở mức cao. Bình quân mỗi tháng có khoảng 21.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, góp phần dẫn tới gia tăng tỷ lệ nợ xấu”.
Ảnh minh họa: TTXVN
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu là do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, thiệt hại do bão số 3 năm 2024 (bão Yagi), kết thúc chính sách giãn nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và đặc biệt là khoảng trống pháp lý sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội hết hiệu lực vào cuối năm 2023.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm
Trước tình hình trên, ngày 27-6-2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ chín. Về cơ bản, luật đã khôi phục cho TCTD quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà trước đây đã được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vốn được đánh giá là công cụ hiệu quả, hỗ trợ TCTD trong việc xử lý nợ xấu. “Bằng việc luật hóa quy định này, Nhà nước đã giúp TCTD nói chung và các ngân hàng nói riêng có thêm một công cụ hữu hiệu để giải quyết nhanh nợ xấu, đặc biệt giúp các TCTD tiết kiệm thời gian, chi phí xử lý nợ xấu do giảm bớt số vụ việc phải đưa ra tòa án giải quyết. Với các lý do đó, tôi cho rằng quy định mới này sẽ là công cụ tốt để hỗ trợ cho các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong tương lai”, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD thay thế một phần nào của Nghị quyết số 42/2017/QH14, nhưng vẫn chưa thể thay thế toàn diện được. Dự báo nợ xấu vẫn tiếp tục tăng trong 2 quý cuối năm 2025. Tăng trưởng tín dụng mạnh (dự kiến đạt mục tiêu 16% đề ra) trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn thì sẽ đẩy nợ xấu tăng cao. Mặc dù các ngân hàng đã có tỷ lệ bao phủ dự phòng rủi ro nhưng đây chỉ là cách hạch toán chi phí phát sinh từ việc dự báo nợ xấu để giảm lợi nhuận thông qua việc tăng chi phí dự phòng. Dự phòng rủi ro chỉ có tác dụng trên sổ sách, không phải là một quỹ có dòng tiền thật để chúng ta xử lý khi nợ xấu trở thành thiệt hại thật sự”.
Để ngăn ngừa tỷ lệ nợ xấu tăng cao, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam lưu ý các TCTD cần quan tâm đến công tác quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Việc xử lý nợ xấu cần thực hiện từ gốc, tức là từ khâu xây dựng sản phẩm tín dụng, định hướng danh mục tín dụng và quản trị rủi ro, bởi xử lý nợ luôn là khâu sau cùng. Thường xuyên rà soát, cập nhật lại các điều khoản tại mẫu hợp đồng tín dụng, mẫu hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như bổ sung điều khoản về thu giữ tài sản bảo đảm vào mẫu hợp đồng bảo đảm để làm cơ sở thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định mới. Các TCTD cần ban hành quy trình xử lý nợ xấu và các quy định nội bộ về từng biện pháp xử lý nợ để có công cụ giải quyết nợ xấu phù hợp với quy định pháp luật. Có kế hoạch, phương án hành động cụ thể đối với từng khoản nợ xấu bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với thực trạng khách hàng, tình trạng khoản nợ và tài sản bảo đảm.
Một biện pháp ngăn ngừa nợ xấu hiệu quả nữa là ngân hàng thiết lập quan hệ hợp tác với các trung tâm trọng tài thương mại uy tín để tạo cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu. Đây cũng là xu hướng mà các TCTD đang áp dụng nhằm giải quyết nợ xấu mà không cần thông qua thủ tục tố tụng tại tòa án thường mất nhiều thời gian hơn. TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, để hạn chế nợ xấu phát sinh trong 2 quý cuối năm 2025, các ngân hàng cần minh bạch hóa số liệu về nợ xấu nội bảng và ngoại bảng; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III. Ngân hàng thương mại cần tuân thủ pháp luật hơn nữa, nhất là quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quy trình thẩm định tín dụng. Đặc biệt, với hai lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rất cao khi cho vay là bất động sản và chứng khoán thì các ngân hàng cần hết sức thận trọng khi thực hiện những chính sách về tín dụng”.
Có thể nói, việc khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm vừa là cơ chế xử lý nợ hiệu quả, vừa góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trả nợ của người đi vay vốn. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp cuối cùng nhằm khắc phục nợ xấu, vì thu giữ tài sản bảo đảm có thể kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh. Để ngăn ngừa tận gốc nợ xấu, đòi hỏi mỗi cán bộ ngân hàng khi thực hiện hoạt động tín dụng, phải bảo đảm tính minh bạch, nghiêm túc, không gian lận. Người đi vay cũng phải có ý thức hợp tác trả nợ, tránh tình trạng chây ỳ, né tránh nghĩa vụ tài chính. Có như vậy quan hệ tín dụng mới mang lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
NGUYỄN ANH VIỆT
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-co-che-thuan-loi-trong-xu-ly-no-xau-838128