Tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của tổ chức bộ máy mới sau khi sắp xếp

Tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của tổ chức bộ máy mới sau khi sắp xếp
3 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì phiên họp.
Xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến hệ thống pháp luật khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy
Tại phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy cho biết, trong bối cảnh hiện nay, số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, nhất là việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sự thay đổi về thẩm quyền, chức danh xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; quy trình phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị;... đang được quy định tại nhiều luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật có liên quan.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - Hồ Quang Huy trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo Tờ trình.
Do đó, cùng với việc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội về tổ chức bộ máy thì việc nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy tại kỳ họp bất thường tháng 02/2025 là rất cần thiết.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là các nội dung, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của tổ chức bộ máy mới sau khi sắp xếp.
Bên cạnh đó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến hệ thống pháp luật khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh khoảng trống pháp luật, hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống pháp luật liên quan mà vẫn đạt được mục tiêu quản lý nhà nước, cũng như bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi.
Làm rõ các nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Nghị quyết trong thời gian gấp rút, khẩn trương với khối lượng lớn văn bản cần rà soát.
Để hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Nội Vụ cho rằng nội dung Tờ trình cần được thể hiện ngắn gọn và rõ ràng hơn. Cụ thể, sự cần thiết ban hành Nghị quyết nên được tách thành cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý. Khoản 2 Điều 1 quy định về đối tượng áp dụng “Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền ở trung ương, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan” cần làm rõ hơn.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ - Nguyễn Văn Thủy phát biểu
Đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ các nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành; nghiên cứu và bổ sung vào Nghị quyết các nội dung liên quan đến biện pháp miễn trừ, giảm trừ trách nhiệm hành chính, hình sự, bồi thường nhà nước...
Làm rõ việc cơ quan Bảo hiểm xã hội sau khi sắp xếp có được thực hiện chức năng thanh tra hay có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay không
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, một số cơ quan thanh tra đang thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trên cơ sở chức năng thanh tra, trong đó có cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, Điều 6 Dự thảo Nghị quyết quy định về thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành lại chưa có nội dung đối với cơ quan này. Do vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc cơ quan Bảo hiểm xã hội sau khi sắp xếp có được thực hiện chức năng thanh tra hay có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay không.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Bên cạnh các ý kiến phát biểu của thành viên Hội đồng thẩm định, tại cuộc họp cũng mời thêm một số cơ quan, bộ, ngành có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm về lĩnh vực về tổ chức bộ máy. Theo đó, các đại biểu tập trung phát biểu thêm một số nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và một số nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.
Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết và hồ sơ dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chính phủ
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận những nỗ lực của đơn vị chủ trì soạn thảo trong việc khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết trong thời gian gấp rút; đồng thời cũng đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp thẩm định.
"Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là các nội dung, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW" -Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát tờ trình, trong đó nêu rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; bảo đảm các nội dung chính sách phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong thực hiện đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận phiên họp.
Đối với Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết, Thứ trưởng yêu cầu cần đảm bảo tính khả thi, tính dự báo của chính sách, các giải pháp, điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách; theo đó, có thể tiếp cận theo hướng chia thành 03 chính sách: (i) Chính sách 1 về xử lý các vấn đề cần điều chỉnh ngay để thực hiện các quy định về sắp xếp bộ máy đảm bảo có hiệu lực cùng với Nghị quyết; (ii) Chính sách 2 về xử lý các vấn đề phát sinh mà không cần sửa văn bản QPPL nhưng vẫn thực hiện được; (iii) Chính sách 3 về xử lý các vấn đề chưa dự liệu được hết.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu nội dung của Nghị quyết cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, linh hoạt, không ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống chính trị, đồng thời phải tương thích với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý cần bổ sung quy định tại dự thảo Nghị quyết để không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới so với trước đây; bổ sung điều kiện bảo đảm nguồn lực thực thi khi Nghị quyết có hiệu lực.
Trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định tại phiên họp, Thứ trưởng nhất trí với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, đồng thời đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm định; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục rà soát kỹ thuật soạn thảo và một số thuật ngữ để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, dễ hiểu, dễ áp dụng trong tổ chức thi hành, từ đó hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết và hồ sơ dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chính phủ.
Nghị quyết được xây dựng với bố cục gồm 13 điều:
Điều 1:Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Điều 2: Nguyên tắc (nguyên tắc chung trong xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy).
Từ Điều 3 đến Điều 10: Các quy định mang tính nguyên tắc để xử lý các nội dung cụ thể khi sắp xếp tổ chức bộ máy (việc thực chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền; tên gọi của các cơ quan, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện thủ tục hành chính; việc thực hiện chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết; giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan ban hành trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; việc sử dụng con dấu, bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in, phát hành).
Điều 11 và Điều 12: Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết và trách nhiệm của các cơ quan trong việc việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Điều 13:Điều khoản thi hành.
Nguồn Chính Phủ : https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tao-co-so-phap-ly-cho-hoat-dong-cua-to-chuc-bo-may-moi-sau-khi-sap-xep-119250111142904002.htm