Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và kiểm soát dinh dưỡng trong trồng dưa lưới tại trang trại thông minh Delco Farm tại Bắc Ninh. (Ảnh: ĐĂNG ANH)
Đây không chỉ là công cụ để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, mà còn là cơ chế kinh tế giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn vốn xanh và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát triển thị trường carbon theo hướng bền vững
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi để phát triển. Trong xu hướng chuyển dịch xanh, nhiều doanh nghiệp đã cam kết và đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon.
Nhu cầu tín chỉ carbon lớn là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Trên hành trình hiện thực hóa cam kết tại COP26 và hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon.
Với 3 văn bản pháp lý trụ cột: Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đặt nền móng pháp lý ghi nhận chính thức sự tồn tại và vai trò của thị trường carbon trong hệ thống quản lý môi trường quốc gia, thể hiện tầm nhìn xa của Nhà nước trong tích hợp kinh tế và sinh thái; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nghị định này tạo nền tảng cho việc xây dựng thị trường carbon trong nước thông qua việc đưa ra các biện pháp giảm phát thải và thiết lập cơ chế quản lý phát thải.
Gần đây nhất, ngày 24/1/2025, Thủ tướng có Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời tạo nguồn tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải.
Mục tiêu là đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đề án đặt mục tiêu từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước; sau đó, sàn giao dịch sẽ đi vào vận hành chính thức từ năm 2029. Các ngành sản xuất chủ lực như năng lượng, thép, xi-măng, chế biến nông sản, giao thông vận tải đang từng bước tham gia vào các cơ chế đo lường, báo cáo và thẩm định phát thải khí nhà kính.
Nhiều doanh nghiệp tiên phong đã tích cực đầu tư vào công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng và chủ động tìm kiếm cơ hội giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới.
Đồng bộ thể chế để xây dựng thị trường carbon
Đối với Việt Nam, việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon không chỉ nhằm thực hiện các cam kết quốc tế về mà còn đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn bao gồm hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; năng lực doanh nghiệp còn hạn chế; thiếu nhân lực chất lượng cao; nhận thức doanh nghiệp về lợi ích thị trường carbon còn mờ nhạt và sự phối hợp liên ngành còn thiếu hiệu quả.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Công Hòa, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thời điểm chiến lược để định hình thị trường carbon phù hợp với định hướng phát triển kinh tế carbon thấp và cam kết Net Zero đến năm 2050. Dù đã có những bước khởi đầu trong việc xây dựng , song để thị trường tín chỉ carbon vận hành hiệu quả, minh bạch và đủ điều kiện hội nhập quốc tế, vẫn cần đến những hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa.
Kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước cho thấy, yếu tố quyết định thành công nằm ở một khung pháp lý đầy đủ và linh hoạt, cơ chế giám sát và xử phạt nghiêm minh, cùng với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính.
Các chính sách về phân bổ hạn ngạch công khai, chính sách thuế rõ ràng và chiến lược sử dụng nguồn thu hợp lý sẽ tạo động lực quan trọng cho sự phát triển lâu dài của thị trường.
Vì vậy, Việt Nam cần rà soát, sửa đổi và bổ sung các nội dung còn thiếu hoặc chưa rõ trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định về sàn giao dịch carbon, đặc biệt trong các lĩnh vực như định vị pháp lý hàng hóa carbon, đấu giá hạn ngạch, cơ chế bù trừ và tín chỉ quốc tế, xử phạt và công khai vi phạm, sử dụng nguồn thu, và liên kết quốc tế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.
Đồng thời, việc xây dựng một cơ chế điều phối liên ngành mạnh mẽ và đầu tư cho hệ thống dữ liệu, giám sát (MRV) là điều kiện tiên quyết để thị trường hoạt động , có trách nhiệm và thu hút được đầu tư xanh trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Hà, Trường đại học Công đoàn nhấn mạnh, một trong những định hướng trọng yếu để phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam là từng bước tháo gỡ các rào cản còn tồn tại trong nền kinh tế, từ đó xây dựng được một thị trường thực chất, hiệu quả và bền vững.
Theo chuyên gia này, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ carbon, chúng ta cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước. Tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới để hoàn thành mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.
Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê , hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành…
Ngoài ra, cần kết nối với thị trường quốc tế, tham gia vào các cơ chế thị trường carbon quốc tế như cơ chế tín chỉ quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương để mua bán tín chỉ carbon xuyên biên giới. Đặc biệt, cần đồng bộ hóa chính sách định giá carbon bao gồm chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; gắn kết hữu cơ với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược kinh tế tuần hoàn, chính sách đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và chiến lược an sinh xã hội.
Nguồn thu từ thuế carbon và giao dịch carbon cần được phân bổ minh bạch, ưu tiên tái đầu tư cho hạ tầng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng sạch và nâng cao năng lực thích ứng của người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương.
Điều quan trọng là cần triển khai mạnh mẽ cơ chế tài chính xanh, bao gồm tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư giảm , nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế cho tiến trình Net Zero.
QUANG MINH