Tạo đột phá trong phát triển du lịch

Tạo đột phá trong phát triển du lịch
8 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thẳng thắn đánh giá, việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử.
Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ để giản tiện cho khách du lịch còn hạn chế. Mức chi tiêu của khách du lịch hằng năm tăng chậm, khách du lịch chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản (ăn uống, đi lại, lưu trú).
Chuyển đổi số trong du lịch chưa mạnh mẽ, chưa xây dựng, đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa trung ương với địa phương, giữa ngành Du lịch với các ngành khác. Nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều...
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10-4-2025 về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Có nhiều tín hiệu đáng mừng, đó là trong những tháng đầu năm 2025, lượng tìm kiếm quốc tế về các điểm đến trong nước tăng cao. Đây là minh chứng cho sức hút của du lịch Việt Nam thời gian qua. Kết quả này cũng phản ánh tính hiệu quả từ các chiến dịch quảng bá và chính sách mở rộng thị thực của chúng ta. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng, các bộ, ngành địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo...
Ba giải thưởng danh giá “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á” do các tổ chức du lịch uy tín thế giới vừa trao tặng cũng đã góp phần quảng bá và nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan. Ngay trong chỉ đạo mới đây, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh, ngành Du lịch phải quyết tâm hơn nữa, kích cầu tốt hơn nữa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn.
Chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy, có cách làm mới để phát triển ngành Du lịch. Nhu cầu của du khách liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo và khách ngày càng "khó tính" hơn.
Chính vì vậy, phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có. Kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.
Các chuyên gia nhận định, cơ hội lớn đang mở ra cho ngành công nghiệp không khói nước nhà trong năm 2025. Vì thế, ngành Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các giải pháp đột phá để thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến và nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu, góp phần vào mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8% năm 2025.
Hà Trang
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tao-dot-pha-trong-phat-trien-du-lich-699086.html