Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Hùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, GCF là một trong các đối tác quan trọng trong việc nâng cao nguồn lực tài chính cho Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của mọi quốc gia và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng công tác này, trong đó có tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh công bằng, cân bằng tài chính cho thích ứng với tài chính cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và trân trọng nguồn vốn của Quỹ GCF dành cho Việt Nam. Đây là nguồn lực quý báu, góp phần hỗ trợ Việt Nam huy động các nguồn lực kinh tế cũng như thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng, Quỹ GCF công bố đã nhận được cam kết đóng góp lần đầu là 10,3 tỷ USD; huy động lần 2 cho giai đoạn 2020-2023 là 9,9 tỷ USD và giai đoạn từ 2024 – 2027 là 12,8 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có 8 dự án được GCF tài trợ với số tiền khoảng hơn 179,6 triệu USD, trong đó hơn 100 triệu USD là viện trợ không hoàn lại.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, nguồn lực tài chính từ Quỹ GCF là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực chủ đạo trong Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các dự án của GCF tại Việt Nam đã hỗ trợ cho Việt Nam trong việc cải thiện khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển, các hộ nhỏ nông nghiệp đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, mở rộng hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam, hỗ trợ xây dựng và triển khai Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) của Việt Nam, hỗ trợ các mục tiêu của Chương trình hành động REDD+ quốc gia (RECAF)”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.
Bộ trưởng cũng mong muốn Quỹ GCF tiếp tục xem xét, hỗ trợ thêm ngân sách cho Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh và bền vững.
Thông tin tới đại diện Quỹ GCF, Bộ trưởng cho biết, hiện Cục Quản lý nợ và kinh tế đối ngoại sẽ làm đầu mối Quốc gia (National Focal Point) của Quỹ GCF tại Việt Nam và sẽ tiến hành các thủ tục thông báo cập nhật tới Quỹ GCF về việc Bộ Tài chính (sau sát nhập) là Cơ quan Thẩm quyền Quốc gia (NDA) của GCF tại Việt Nam. Với vai trò là đầu mối của Quỹ GCF tại Việt Nam, Cơ quan thẩm quyền quốc gia có vai trò quan trọng trong định hướng, điều phối nguồn lực từ Quỹ GCF phục vụ các nhiệm vụ tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Trong ngắn hạn, Cơ quan thẩm quyền quốc gia có kế hoạch định hướng nguồn lực Quỹ GCF phát triển các dự án có tính "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” (như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối với quốc gia láng giềng, hạ tầng năng lượng, chống chịu biến đổi khí hậu, hạ tầng số, chương trình phát triển 1 triệu ha lúa...).
Ông Herman Mandal phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Hùng.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Herman Mandal cho biết những quan điểm của Bộ Tài chính Việt Nam rất tương đồng với định hướng của Quỹ GCF. Hiện nay, Quỹ đang trong quá trình tái cơ cấu và rất cần huy động thêm các nguồn lực cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Quỹ GCS hiện có mục tiêu quan trọng là giảm thiểu rủi ro cho các dự án cũng như đang tích cực thu hút thêm nguồn lực tài chính và triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro đầu tư. Quỹ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn các dự án có quy mô lớn, tính bền vững cao và mang lại hiệu quả lâu dài.
“Hiện tại, nguồn lực tài chính để phục vụ các mục tiêu khí hậu tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên các nguồn lực này lại đang phân tán ở nhiều nơi khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đang tìm cách thiết kế các cơ chế phù hợp để thu hút các tô chức cùng tham gia vào các dự án khí hậu”, ông Herman Mandal cho biết.
Cùng với đó, Quỹ GCF cũng đang thảo luận và thúc đẩy các cơ chế hỗ trợ dành cho cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Khu vực tư nhân hiện nay có nhiều tiềm năng nhưng cũng tồn tại không ít rào cản, khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực và triển khai các dự án khí hậu.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về một số dự án trọng điểm, đặc biệt là những dự án mang tính liên kết vùng và liên kết quốc gia. Đại diện Quỹ GCF khẳng định, trong phạm vi năng lực của mình, với đội ngũ chuyên môn có trình độ cao, Quỹ luôn sẵn sàng phối hợp và trao đổi trực tiếp với Bộ Tài chính Việt Nam. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nâng cao năng lực hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng và Giám đốc Ban Châu Á Thái Bình Dương Herman Mandal chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Ngô Hùng.
Trước những chia sẻ của ông Herman Mandal, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, các dự án GCF tài trợ cho Việt Nam đều thực hiện theo thủ tục phê duyệt quản lý viện trợ ODA. Hiện tại, Bộ Tài chính đang triển khai việc xây dựng và sửa đổi các quy định về thể chế, đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc đầu tư vốn của Chính phủ vào khu vực tư nhân. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận và huy động hiệu quả các nguồn vốn từ Quỹ GCF.
Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn ngoài nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, GCF sẽ hỗ trợ thêm các nguồn tài chính, cho vay ưu đãi khác, với lãi suất thấp nhằm đa dạng các hình thức vay vốn, nhất là cho dự án GCF giai đoạn 3 -GCF-3 (2028-2031).
Thùy Linh