PGS.TS Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương: Đồng hành với quá trình đổi mới giáo dục phổ thông
Với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất về Báo Giáo dục và Thời đại là hành trình đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Là thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông mới, sau này là Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Công nghệ (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), tôi đã có dịp đồng hành cùng các phóng viên của Báo trong việc thông tin, quảng bá tư tưởng, nội dung đổi mới của môn Công nghệ, ngay cả khi chương trình mới chưa được ban hành. Nhờ đó, vai trò, vị thế của môn Công nghệ trong Chương trình GDPT 2018 ngày càng được nâng cao. Từ năm 2025, môn Công nghệ chính thức trở thành môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên đọc Báo Giáo dục và Thời đại, nhất là các bài viết chuyên đề về giáo dục và đào tạo đã giúp tôi cập nhật thông tin, củng cố thêm nhận thức của bản thân, góp phần tích cực vào công tác tham mưu của tôi trong môi trường công tác mới.
Gần đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, tôi mong Báo Giáo dục và Thời đại coi đó là cơ sở quan trọng để định hướng tuyến bài nhằm nâng cao nhận thức và hành động các cấp, ngành, nhất là ngành Giáo dục để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ:Lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp
Trải qua các thời kỳ phát triển của đất nước, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, Báo Giáo dục và Thời đại đã không ngừng đổi mới, phát triển, cải tiến nội dung, hình thức, chiếm được tình cảm, sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong ngành và toàn xã hội.
Từng nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, tôi là bạn đọc gắn bó với Báo Giáo dục và Thời đại. Nay, dù chuyển công tác sang ngành Thông tin và Truyền thông, tôi vẫn ấn tượng với những cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước của Báo. Một trong những điều Báo Giáo dục và Thời đại làm tốt là nhân rộng những điều tích cực, tấm gương người tốt việc tốt trong cuộc sống, nhất là các tấm gương về nhà giáo, học sinh, sinh viên tiêu biểu. Qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp, tạo dựng niềm tin vững chắc đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, Báo Giáo dục và Thời đại đã đóng vai trò “chủ công” trong tuyên truyền có chiều sâu, hiệu quả về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo sự đồng thuận của xã hội - là một trong ba thành tố quan trọng góp phần vào sự thành công của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW.
Trong thời gian tới, tôi mong Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục phát huy thế mạnh, chuyên sâu về giáo dục, tăng cường tương tác với công chúng, và liên tục đổi mới để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, tạo bước phát triển mạnh, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Định -Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Qua Báo có thể nhận diện đầy đủ bức tranh giáo dục nước nhà
65 năm từ khi ra đời số đầu tiên, Báo Giáo dục và Thời đại luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, là diễn đàn quan trọng không chỉ cho các nhà giáo mà còn cho mọi người quan tâm, chăm lo cho giáo dục. Việc liên tục có nhiều cải tiến tích cực từ hình thức đến nội dung, nhất là sự ra đời của báo điện tử trong những năm gần đây đã thu hút ngày càng nhiều người dân quan tâm theo dõi. Đọc Báo Giáo dục và Thời đại, ta có thể nhận diện đầy đủ bức tranh giáo dục nước nhà thông qua nội dung phong phú, đa dạng, cập nhật với nhiều chuyên mục rất cô đọng, súc tích.
Thời gian công tác trong ngành Giáo dục, tôi có ấn tượng khá sâu sắc với Báo Giáo dục và Thời đại và cũng từng nhiều lần cộng tác, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo. Nay chuyển sang làm công tác tuyên giáo, Giáo dục và Thời đại vẫn là tờ báo tôi theo dõi thường xuyên.
Để tiếp tục đồng hành cùng giáo dục - đào tạo, thu hút ngày càng nhiều bạn đọc hơn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển, xin đề xuất Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục nghiên cứu bổ sung (hoặc tích hợp) thêm một vài tiểu mục. Thứ nhất là “Kinh nghiệm quản lý giáo dục” (trong và ngoài nước), giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả, phương pháp quản lý khoa học… Thứ hai là “Gương sáng giáo dục”, giới thiệu, tôn vinh các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu xuất sắc; những gương sáng hiếu học, học sinh đạt thành tích xuất sắc; những tập thể, cá nhân đóng góp tiêu biểu cho giáo dục… Thứ ba là “Diễn đàn trao đổi”, nơi các chuyên gia, người dạy có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ quan điểm, góp ý, đề xuất, nêu mong muốn để giáo dục - đào tạo ngày càng tốt hơn lên. Thứ 4 là “Thư viện online”, có thể gồm các tài liệu phục vụ giáo viên, học sinh trong giảng dạy, học tập…
Hiếu Nguyễn (ghi)