Hội thảo khoa học về chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày 28.4, tại TP. Đà Nẵng, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách phát triển xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực trạng và những đề xuất cho dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch, Lưu Văn Đức, Lê Nhật Thành đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có đại diện Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Học viện Dân tộc (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) cùng lãnh đạo các Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh thành trên cả nước.
Cần sớm hoàn thiện Luật về lĩnh vực Dân tộc
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển toàn diện đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đảm bảo công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
Theo rà soát, hiện các chính sách liên quan về lĩnh vực dân tộc được quy định trong hơn 100 luật và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay chưa có Luật riêng, tổng thể, điều chỉnh về các mối quan hệ dân tộc; quy định toàn diện trong việc bảo đảm an sinh xã hội, công bằng về phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc thù còn nhiều khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, miền núi. Dẫn đến các chính sách pháp luật về lĩnh vực này thiếu đồng bộ, còn khoảng trống nội dung quy định về lĩnh vực công tác dân tộc.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, các văn bản, chính sách dưới luật về phát phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuy linh hoạt trong điều chỉnh chính sách nhưng tính ổn định không cao, thường tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, cấp bách, xử lý tình huống; cơ chế phối hợp chưa rõ ràng, việc phân bổ nguồn lực còn nhiều bất cập, quá trình thực hiện các chính sách còn rời rạc, dàn trải, chồng chéo.
Trong bối cảnh mới, tình hình thế giới có những diễn biến khó lường về xung đột sắc tộc, tôn giáo, việc luật hóa và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực dân tộc về các quyền dân sự, chính trị, bảo đảm an sinh xã hội là hết sức cần thiết.
Mặt khác, Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc nên sẽ nảy sinh các quan hệ mang tính đa tầng, đan xen, về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, được biểu hiện dưới góc độ quan hệ giữa nhà nước và công dân là người dân tộc thiểu số, công dân là người dân tộc thiểu số với công dân là người dân tộc đa số... Những quan hệ này rất cần có văn bản Luật để tạo hành lang, pháp lý điều chỉnh đối với các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch, chính sách toàn diện về kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc.
Từ thực tế đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Hội đồng Dân tộc tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, thực tiễn đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực Dân tộc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chính gồm: làm rõ kết quả đạt được, khoảng trống của việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước về chính sách phát triển xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá kết quả, bất cập, hạn chế của việc xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi; làm rõ sự cần thiết, nội dung chưa được thể chế hóa, nội dung chính sách phát triển xã hội cần đề xuất đưa vào dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc.
Cần phát triển “mô hình sinh thái bản địa”
Tại hội thảo, BS.TS Trần Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng cho rằng, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là điều kiện thiết yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và công bằng xã hội. Với trên 14% dân số là người dân tộc thiểu số, cư trú tại hơn 50 tỉnh, thành và chiếm phần lớn diện tích địa lý miền núi - trung du - biên giới của cả nước, việc đảm bảo sức khỏe cho các cộng đồng này mang ý nghĩa chiến lược và toàn diện.
Trên cơ sở phân tích thực trạng chính sách y tế dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, BS.TS Trần Tuấn đề xuất cần phát triển “mô hình sinh thái bản địa”, ứng dụng y học hiện đại và truyền thống, ứng dụng công nghệ số cùng chính sách y tế vùng dân tộc thiểu số; kiến nghị đưa nội dung chăm sóc sức khỏe dân tộc thiểu số vào một chương riêng trong Luật về lĩnh vực dân tộc để thể chế hóa quyền được chăm sóc sức khỏe công bằng và toàn diện cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Còn theo Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Bùi Hoài Sơn, hệ thống chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đóng vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng tinh thần, nâng cao đời sống, khơi dậy nội lực và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống chính sách này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai; chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh yêu cầu mới của sự phát triển bền vững, hội nhập và chuyển đổi số.
"Việc nghiên cứu, đánh giá toàn diện chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là hết sức cần thiết, nhằm đề xuất những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và tính đặc thù vùng miền", đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn kiến nghị cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, cụ thể hóa chính sách đặc thù; tăng cường phân cấp, trao quyền cho chính quyền địa phương và cộng đồng; đẩy mạnh đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực địa phương; huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư bền vững; thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong bảo tồn và quảng bá văn hóa...
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhất trí cho rằng, nhiều nội dung trong chính sách, pháp luật về lĩnh vực xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số thời gian qua có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển khu vực này.
Tuy nhiên, hiệu quả, chất lượng đầu tư, tốc độ phát triển của nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội của đồng bào và ở vùng vùng dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều nơi hạ tầng về y tế, giáo dục, thông tin, văn hóa còn chưa bảo đảm ở mức tối thiểu; nhiều giá trị xã hội, văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào các dân tộc chưa được bảo vệ và khai thác hiệu quả như một nguồn lực phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước…
“Nguyên nhân cơ bản đã được nhiều đại biểu đề cập đến là chúng ta còn thiếu những chính sách, pháp luật tổng thể, dài hạn quy định những nguyên tắc để tạo hành lang, cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ, nguyên tắc trong quản lý nhà nước, đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi", Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chỉ rõ.
Nhấn mạnh "việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc là cần thiết", Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, "nếu không, khoảng cách phát triển giữa đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với mặt bằng chung của cả nước sẽ ngày càng giãn rộng; các giá trị văn hóa, tiềm năng to lớn trong vùng đồng bào sẽ có nguy cơ mai một, không được khai thác hiệu quả, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện nay”.
Tấn Tài