Cú huých cho thương mại điện tử Thái Nguyên
Với một địa phương khu vực miền núi, có nhiều đặc sản địa phương, đặc biệt là sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoạt động này đã góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của bà con.
Ngày 28/4, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, Thái Nguyên luôn xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển bền vững. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị
Để thương mại điện tử thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên mong muốn và kỳ vọng, hội nghị sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể về phát triển hạ tầng số phục vụ thương mại điện tử; xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong kinh doanh; đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực, từ lãnh đạo doanh nghiệp tới người lao động; tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ thương mại điện tử.
"Tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thương mại điện tử", lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định và tin tưởng với sự chung tay, đồng lòng của các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội, Thái Nguyên sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế số và là trung tâm phát triển thương mại hàng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của Việt Nam; hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong thương mại điện tử; giải pháp thúc đẩy sản phẩm Thái Nguyên lên sàn thương mại điện tử Shopee; xu hướng công nghệ và chiến lược marketing trong thương mại điện tử.
Cũng tại hội nghị đã ra mắt Hiệp hội Thương mại điện tử Thái Nguyên.
Các đại biểu tặng hoa chúc mừng Hiệp hội Thương mại điện tử Thái Nguyên
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại chương trình, phiên Megalive sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên "Tự hào hàng Việt - Thái Nguyên đệ nhất danh trà" đã diễn ra sôi nổi với sự góp mặt của lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, KOL, KOC, TikToker; nghệ sĩ ưu tú Việt Anh; diễn viên Quỳnh Nga...
Chương trình livestream đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, phiên Megalive cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả rõ rệt trong quảng bá sản phẩm nông sản địa phương qua thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên (thứ ba từ phải sang) tham gia phiên Megalive sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên "Tự hào hàng Việt - Thái Nguyên đệ nhất danh trà"
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả trước mắt lẫn lâu dài đối với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ nông sản và phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Việc tận dụng sức mạnh của livestream, mạng xã hội và thương mại điện tử đã giúp sản phẩm của Thái Nguyên, đặc biệt là sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc kết nối trực tiếp với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển nhanh chóng và cũng là minh chứng cho tinh thần chủ động, sáng tạo của tỉnh nhà.
Theo ông Chính, phiên Megalive không đơn thuần là hoạt động quảng bá sản phẩm mà còn lan tỏa câu chuyện văn hóa, niềm tự hào về danh trà Thái Nguyên. Việc lồng ghép câu chuyện văn hóa vào hoạt động thương mại đã góp phần gia tăng giá trị cảm xúc, nâng cao hình ảnh sản phẩm nông sản Thái Nguyên trên thị trường.
"Thông qua chương trình, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sẽ tích cực tiếp cận, ứng dụng các kỹ năng xây dựng thương hiệu số, kỹ năng bán hàng trực tuyến và marketing số. Qua đó, thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển bền vững trong nền kinh tế mới", ông Nguyễn Bá Chính cho hay.
Diễn viên Việt Anh, Quỳnh Nga tham gia phiên Megalive sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên "Tự hào hàng Việt - Thái Nguyên đệ nhất danh trà"
Chia sẻ về việc trực tiếp tham gia một phiên livestream quảng bá sản phẩm địa phương, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho hay, đứng trước ống kính livestream cùng nghệ sĩ, KOLs, các doanh nghiệp địa phương giao lưu trực tiếp với người tiêu dùng trên nền tảng số, ông đã thực sự cảm nhận rõ hơn nhịp đập sôi động của thị trường số hôm nay.
"Tôi đặc biệt ấn tượng với cách thức thể hiện sáng tạo, hiện đại của các nghệ sĩ, KOLs, Tiktoker tham gia phiên Megalive. Họ đã sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc một cách tự nhiên và sinh động để truyền tải thông điệp về sản phẩm quê hương. Qua đó, sản phẩm của Thái Nguyên không chỉ được giới thiệu như một mặt hàng tiêu dùng đơn thuần mà còn trở thành biểu tượng văn hóa, mang theo niềm tự hào và bản sắc địa phương", ông Nguyễn Bá Chính nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại điện tử, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã và các nền tảng thương mại điện tử nhằm tạo dựng hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững, hỗ trợ thiết thực cho sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh.
Hiện Thái Nguyên có 248 lượt sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó chè chiếm tới 77% và là sản phẩm chủ lực. Bên cạnh trà Tân Cương, nhiều đặc sản như miến Việt Cường, na Võ Nhai, gà đồi Phú Bình,… đang dần tạo dấu ấn trên thị trường số. Đặc biệt, tỉnh có 4 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.
Thảo Nguyên