Ảnh chụp màn hình bài viết. (Ảnh: Diệu Hương/TTXVN)
Trang mạng ABC Mundial của Argentina mới đây đã đăng bài viết ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam củng cố vị thế để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao," ABC Mundial bình luận chỉ trong 3 thập kỷ, Việt Nam đã thu hẹp đáng kể khoảng cách thu nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới sau nhiều thập kỷ xung đột, ngày nay Việt Nam là một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về chuyển đổi kinh tế trong thế kỷ 21.
Với sự tăng trưởng bền vững, các chính sách đầy tham vọng và tầm nhìn chiến lược dài hạn, Việt Nam đang vững bước trên con đường trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Tiến trình này được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6% đến 7% hằng năm, ngay cả trong những năm toàn cầu gặp nhiều khó khăn như đại dịch COVID-19.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,09%. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thể hiện sức mạnh trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ, dịch vụ, xây dựng và xuất khẩu.
ABC Mundial đánh giá Việt Nam đã trở thành một trung tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ chính sách mở cửa, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào và có sức cạnh tranh. Các công ty đa quốc gia lớn đã thiết lập và xây dựng nhà máy, trung tâm công nghệ tại Việt Nam, củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngày nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử, dệt may, giày dép, hải sản và nông sản lớn nhất thế giới.
Việt Nam cũng thiết lập các liên minh chiến lược thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hoặc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), góp phần quan trọng trong việc mở rộng thị trường và giảm rào cản thương mại. Những thỏa thuận thương mại này đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tăng khả năng cạnh tranh và tăng cường giao dịch ngoại thương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc trong công tác xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ hơn 50% vào những năm 1980 xuống dưới 3% hiện nay. Liên hợp quốc cũng công nhận Việt Nam là ví dụ điển hình trong phát triển bền vững.
Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% vào năm 2025 và đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong thập kỷ tới. Mục tiêu này dựa trên chiến lược toàn diện bao gồm chuyển đổi số, giáo dục kỹ thuật, phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo và tính bền vững của môi trường. Ước tính đến năm 2029, quy mô kinh tế Việt Nam sẽ vượt các nền kinh tế lớn, trong đó có Singapore, đạt 676 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2026, Việt Nam sẽ đứng thứ tư về GDP bình quân đầu người trong nhóm ASEAN-6.
Với quyết tâm chính trị, cam kết xã hội và tầm nhìn chuyển đổi, Việt Nam đang trên đường trở thành cường quốc khu vực và toàn cầu, định hình lại vai trò của các quốc gia mới nổi trong thế kỷ 21.
Trang ABC Mundial bình luận nếu tiếp tục theo con đường hiện tại, Việt Nam không chỉ đạt được vị thế nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 mà còn truyền cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển khác noi theo./.
(TTXVN/Vietnam+)