Chợ Tân Định (Quận 1), địa điểm được nhiều khách quốc tế ghé thăm. (Ảnh HOÀNG LIÊN)
Theo thống kê từ Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 232 chợ truyền thống; chiếm khoảng 60-65% tổng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, vượt xa so với hệ thống siêu thị và các doanh nghiệp bán lẻ khác.
Sức hấp dẫn của chợ truyền thống đến từ nhiều yếu tố: sự phong phú về chủng loại hàng hóa, tính tươi mới của thực phẩm, giá cả hợp lý và đặc biệt là cảm giác thân quen, gần gũi trong cách giao tiếp giữa tiểu thương với người tiêu dùng, mang đậm dấu ấn của từng địa phương. Đây là nét văn hóa giao thương đặc trưng mà không gian bán lẻ hiện đại khó có thể thay thế được.
Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong giai đoạn mới, nhiều chợ dân sinh đang đối mặt với yêu cầu đổi mới toàn diện. Một số bất cập về cơ sở hạ tầng, quản lý, vệ sinh môi trường hay công nghệ thanh toán đang là thách thức cần khắc phục. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức của tiểu thương về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giá niêm yết cũng cần được quan tâm đúng mức để xây dựng lại niềm tin với người tiêu dùng.
Theo Ban quản lý chợ Bình Tây, Quận 6, để các chợ truyền thống đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, chính quyền địa phương cần phối hợp các Ban quản lý dự báo nhu cầu tiêu dùng tại chợ trên cơ sở thường xuyên khảo sát, nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới; hội thảo, tọa đàm với thương nhân và khách hàng để thu thập ý kiến, từ đó cập nhật kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, các chợ cần chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng trong bối cảnh chuyển đổi số, như: lắp đặt hệ thống camera an ninh ở các cổng, lối đi chính, bãi giữ xe; triển khai bảng thông tin điện tử hiển thị hướng dẫn, thông tin gian hàng; tiếp tục duy trì việc khuyến khích thương nhân, khách hàng sử dụng mã QR, ví điện tử, máy POS trong các giao dịch, mua sắm tại chợ; phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng để hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp mã QR và gói ưu đãi phí giao dịch…
Theo Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh mới, các chợ truyền thống cần nhanh chóng đổi mới chức năng, ứng dụng công nghệ và kết hợp với sự trợ giúp của chính quyền để thích ứng xu thế tiêu dùng hiện nay. Cụ thể, cần đẩy mạnh, tập trung kinh doanh sản phẩm địa phương, đặc sản vùng-miền, thực phẩm (tươi sống, hữu cơ hoặc chế biến thủ công); phát triển các dịch vụ và sản phẩm mang tính cá nhân cao. Cùng với đó nên phát triển các chợ thành điểm đến văn hóa, du lịch, khai thác giá trị lịch sử cho thương mại; kết hợp ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm “chợ đêm”, “chợ cuối tuần”; tạo không gian cho nhiều thế hệ, gia đình và trẻ em cùng tham gia trải nghiệm, khám phá... Đồng thời, nên tổ chức theo hướng các “chợ chuyên ngành”, như: hoa tươi, đồ cũ, điện máy, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa kiểng… Các chợ cũng nên tối ưu hóa không gian kinh doanh theo từng khung giờ trong ngày, đối tượng khách hàng; hoặc tổ chức chợ phiên trong tuần, tháng.
Chợ truyền thống không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn là không gian văn hóa, lưu giữ ký ức đô thị, nơi người dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi gắm bản sắc. Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng tiểu thương, mô hình chợ truyền thống chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy vai trò là nhịp cầu nối kết cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của thành phố mang tên Bác.
HOÀNG LIÊM