Giờ đây, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, ở phường Sa Huỳnh, không chỉ có người dân địa phương mà còn có 8 người trẻ khuyết tật trong tỉnh cùng làm du lịch. Dù phần lớn các bạn đều bị điếc, chỉ có thể giao tiếp thông qua ngôn ngữ ký hiệu, nhưng không khí vui vẻ, náo nhiệt lúc nào cũng thường trực trong ngôi làng.
Ý tưởng nhân văn
Các bạn khuyết tật có môi trường để làm du lịch xuất phát từ ý tưởng của nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn. Trong nhiều lần tham quan, làm việc tại Sa Huỳnh, ông Tuấn luôn trăn trở về di sản văn hóa Sa Huỳnh và những nghề truyền thống ở nơi đây đang có nguy cơ mai một. Đa phần những người tâm huyết, gắn bó giữ nghề đều là những người lớn tuổi. Trong khi đó, thanh niên khuyết tật trong tỉnh thì nhiều, nhưng chưa có môi trường để hòa nhập, phát triển năng lực, sở trường. Do đó, cuối năm 2024, ông Tuấn đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng điều phối du lịch bền vững để liên hệ với các bạn trẻ khuyết tật có mong muốn khởi nghiệp về du lịch và các nghề truyền thống. Bên cạnh đó, ông Tuấn còn kết nối với những người yêu thể thao để tổ chức các giải đấu gây quỹ, nhằm hỗ trợ kinh phí, trợ lực cho các bạn khuyết tật khởi nghiệp.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn động viên các bạn trẻ khuyết tật khởi nghiệp.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chia sẻ, theo dõi hành trình hòa nhập để làm du lịch của các em khuyết tật, tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy các em đổi thay từng ngày. Những rào cản của cơ thể không ngăn được ý chí, niềm tin vượt lên chính mình của các em. Ở các em luôn có tình yêu, khát khao với khởi nghiệp. Điều đó đã được minh chứng qua sự cầu tiến, hoàn thiện bản thân đến việc học hỏi, nâng cao tay nghề trong tất cả mọi khâu quảng bá, dịch vụ, phục vụ du khách.
“Đa phần các em khuyết tật sau khi học xong, thường trở về nhà, hoặc làm những công việc phụ, thiếu tính ổn định, chứ chưa có môi trường để phát triển bản thân, theo đuổi đam mê. Chính vì vậy, việc khởi động Chương trình Người khuyết tật hòa nhập trong môi trường du lịch cộng đồng sẽ là đòn bẩy để các em phát huy đam mê, năng lực, tạo việc làm ổn định, lâu dài cho các em. Khi các em thuần thục làm ra những sản phẩm truyền thống, vừa có thể thu hút khách du lịch tiêu thụ để tăng thêm thu nhập, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống ở Sa Huỳnh”, ông Tuấn nhận định.
Giúp trẻ khuyết tật tự tin, hòa nhập
Sau gần 6 tháng làm quen, hòa nhập tại làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, 8 bạn trẻ khuyết tật đã bắt nhịp với cuộc sống mới, biết cách vẽ tranh, làm gốm, đan võng, sản xuất muối, pha chế, tham gia công tác truyền thông, đặc biệt là hòa mình trở thành một hướng dẫn viên du lịch thực thụ để giới thiệu cảnh đẹp, văn hóa, con người Sa Huỳnh đến với du khách. Từ việc sống khép kín, thu mình, giờ đây, tất cả các bạn luôn tràn đầy năng lượng, sự vui tươi và cháy bỏng khát khao vượt lên chính mình, để theo đuổi đam mê khởi nghiệp, tự nuôi sống bản thân và trở thành những người có ích.
Sau khi nhào nặn, hoàn thành một chiếc bát bằng đất sét, em Lương Xuân Trường (17 tuổi), ở xã Sơn Tịnh nở nụ cười phấn khởi khoe thành quả với chúng tôi. Trên sổ lưu bút của mình, Trường viết, tại làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, em và các bạn khuyết tật được hỗ trợ tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp tương lai, được học nghề truyền thống và làm du lịch cộng đồng với người dân nơi đây. Hơn 6 tháng gắn bó, em thật sự rất vui, vì mình có thể làm gốm, có thể tự tin cùng các bạn hướng dẫn du khách trải nghiệm du lịch.
Các bạn trẻ khuyết tật được học nghề truyền thống, để phục vụ du khách trải nghiệm.
Em Bùi Hương Giang (19 tuổi), ở xã Vệ Giang cũng cùng chung tâm trạng phấn khởi khi tham gia vào Chương trình Người khuyết tật hòa nhập trong môi trường du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ. Chỉ tay vào bức tranh đang vẽ dang dở, Giang ra ký hiệu ngôn ngữ để diễn đạt với chúng tôi. Giang bảo rằng, em cảm thấy tự tin và có động lực để theo đuổi đam mê khởi nghiệp khi có sự đồng hành của những người bạn cùng chung số phận.
Giờ đây, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ càng trở nên đặc biệt, bởi đã mở ra cơ hội lớn cho trẻ khuyết tật định hướng nghề nghiệp, hòa nhập cộng đồng. Ngày càng nhiều du khách tìm đến Gò Cỏ bởi không chỉ cảnh đẹp, văn hóa, con người nơi đây, mà còn bị thu hút bởi những bạn khuyết tật khởi nghiệp bằng chính trái tim.
Giám đốc Liên hiệp HTX Cộng đồng điều phối du lịch bền vững Đoàn Sung chia sẻ, sau thời gian thí điểm Chương trình Người khuyết tật hòa nhập trong môi trường du lịch cộng đồng, tất cả các em tham gia đã cùng nhau bước qua rào cản, khám phá giá trị bản thân và cùng cộng đồng địa phương viết tiếp câu chuyện di sản bằng chính góc nhìn sáng tạo của mình. Các em không chỉ hòa nhập mà còn khẳng định vai trò của những người dám làm chủ ước mơ, tự tin khởi nghiệp và cống hiến cho xã hội. Mục đích của chương trình là tạo ra chuỗi giá trị mới dựa trên sự hợp tác giữa người yếu thế và cộng đồng bản địa, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa và lan tỏa tinh thần hòa nhập, khởi nghiệp của người yếu thế.
“Liên hiệp HTX Cộng đồng điều phối du lịch bền vững đã xây dựng môi trường để các bạn khuyết tật hòa nhập, cũng như tổ chức vận hành, triển khai các mô hình khởi nghiệp phù hợp với năng lực, hoàn cảnh sống và bối cảnh văn hóa, du lịch tại địa phương. Từ đó, thúc đẩy các bạn trẻ không ngừng sáng tạo, phát huy năng lực, để cùng nhau hợp tác, đứng lên làm chủ cuộc đời mình. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục kết nối, tạo cơ hội và trao quyền cho nhiều bạn trẻ là người khuyết tật trong tỉnh khởi nghiệp ở các điểm du lịch cộng đồng do đơn vị quản lý, vận hành, hướng đến mô hình du lịch nhân văn, bền vững”, ông Đoàn Sung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MỸ DUYÊN