Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế nhằm thu hút dòng vốn quốc tế; phát triển dịch vụ tài chính cao cấp; hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối các với kinh tế thế giới và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính toàn cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sản phẩm của Trung tâm Tài chính quốc tế bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, ngoại hối, tài chính xanh, tín chỉ carbon, công nghệ tài chính, tài sản số... Việt Nam sẽ thành lập một Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại 2 địa điểm là TP.HCM và TP. Đà Nẵng, có sự phân công chức năng và định hướng rõ ràng, đảm bảo sự phát triển hài hòa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam
Dự thảo nghị quyết xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù áp dụng tại Trung tâm Tài chính quốc tế, đây là các chính sách tiệm cận thông lệ quốc tế và vượt trội so với một số trung tâm tài chính các nước như: chính sách về sàn giao dịch, chính sách ưu đãi thuế, chính sách bảo hiểm; ưu tiên giao đất sạch cho các dự án của Trung tâm; áp dụng thủ tục đầu tư nhanh, thuận tiện đối với các dự án và áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với việc thẩm định công nghệ đầu tư tại Trung tâm Tài chính quốc tế.
"Thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox, khuyến khích Fintech, cho phép các doanh nghiệp Fintech thử nghiệm sáng kiến mới như AI, blockchain.... trong phạm vi Trung tâm Tài chính quốc tế. Hỗ trợ tài chính cho đổi mới sáng tạo từ ngân sách địa phương và xây dựng Quỹ quốc gia để phát triển Fintech và hỗ trợ Startup. Mở cửa cho tài sản số và công nghệ mới cho phép thành lập các sàn giao dịch mới trong trung tâm tài chính quốc tế dành cho tín chỉ carbon, sản phẩm phái sinh hàng hóa và kỹ thuật số", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, công tác chuẩn bị xây dựng và vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế. TP. Đà Nẵng sẽ bố trí các khu đất sạch khu vực bờ biển với tổng diện tích 430 ha và TP.HCM sẽ bố trí khoảng 687 ha đất tại khu vực Quận 1 và Thủ Thiêm để trở thành khu phố tài chính.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế cũng đóng góp, đề xuất những giải pháp để xây dựng và vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế thế hệ mới nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: việc hình thành Trung tâm tài chính Quốc tế đặt tại TP.HCM và TP. Đà Nẵng là nơi thiết kế thử nghiệm và thương mại hóa các mô hình tài chính mới, là "vườn ươm" cho những sản phẩm tài chính mới.
"Trung tâm tài chính giúp xác định rõ dòng tiền, tránh rủi ro và đổ vỡ của nền kinh tế. Quan trọng nhất, dòng tiền này không chỉ phát triển các tập đoàn mà cho phát triển nền kinh quốc gia. Đây là "sân chơi", các nguyên tắc vận hành để nhà đầu tư thấy được nguồn vốn tự do chuyển đổi qua các dòng giao dịch. Thứ hai là lợi nhuận chuyển đổi và môi trường sống. Môi trường để các nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính Quốc tế thấy rằng, nơi đây đáng sống, kết nối lâu dài".
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu phát triển đất nước khi 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, trước mắt là mục tiêu tăng trưởng 2 con số, đặt ra yêu cầu phát triển nhanh, xanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng phải có nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn lực từ Trung tâm Tài chính Quốc tế, góp phần bổ sung nguồn lực tài chính cho tăng trưởng.
Để hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế thành công, theo Thủ tướng, phải có môi trường pháp lý minh bạch, tiến bộ, hiện đại, thông thoáng, tạo môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng trung tâm hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp xu thế của thế giới, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: "Để hình thành và vận hành Trung tâm Tài chính Quốc tế thành công, phải có môi trường pháp lý minh bạch, tiến bộ, hiện đại, thông thoáng, tạo môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư".
Về nguồn nhân lực, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nhân lực phải chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh tạo môi trường vượt trội, thoải mái cho các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh "tự do hóa" nhưng có lộ trình phù hợp.
"Phải tôn trọng thể chế thị trường. Thể chế thị trường là phải cạnh tranh, là phải quy luật cung cầu và quy luật giá trị. Vừa đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng, vừa quản lý Nhà nước chặt chẽ, nhưng lại rất thông thoáng rất cởi mở và đảm bảo được quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh. Quản lý ở đây là quản lý hạ tầng thì thông suốt, thể chế thông thoáng và quản trị thông minh".
Lại Hoa/VOV