Tạo thêm nguồn thu nhập khá từ tinh bột sắn dây

Tạo thêm nguồn thu nhập khá từ tinh bột sắn dây
7 giờ trướcBài gốc
“Tuổi già nhưng chí không già, còn sức khỏe còn lao động”! Đó là tâm niệm và phương châm của gia đình ông bà Nguyễn Văn Tiệp, Phan Thị Oanh ở thôn Tam Quang, xã Yên Thắng (Ý Yên). Dù ở độ tuổi 60, vợ chồng bà vẫn hăng hái nghiên cứu đổi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó sản phẩm “Tinh bột sắn dây ta Tiệp Oanh” của gia đình vừa được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024.
Mô hình trồng cây sắn dây ta để chế biến tinh bột cho hiệu quả kinh tế cao của bà Phan Thị Oanh, xã Yên Thắng (Ý Yên).
Tận dụng diện tích đất vườn còn trống từ mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh của gia đình, bà Oanh đã lựa chọn trồng cây sắn dây ta. Bà Oanh cho biết: Cây sắn dây ta là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm bón lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của nhiều vùng miền, đặc biệt là đồng đất của địa phương. Vốn được mệnh danh là củ “sâm trắng”, bột sắn dây chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, trồng cây sắn dây giúp bà có thể tận dụng được nguồn bã thải từ chăn nuôi lợn sau khi xử lý qua hầm bioga để làm phân bón cho cây. Ông bà chọn trồng sắn dây ta tuy năng suất củ không cao như các giống sắn dây khác nhưng chất lượng bột lại tốt, thơm. Ban đầu, bà Oanh chủ yếu bán cho người thân, hàng xóm, láng giềng. Tiếng lành đồn xa, nhờ chất lượng tốt, sản phẩm tinh bột sắn dây của bà Oanh ngày càng được nhiều người tin dùng và biết đến. Ông bà đã mở rộng diện tích trồng cây sắn dây và đầu tư máy móc chế biến tinh bột để đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Đến nay, gia đình bà Oanh đã mở rộng diện tích trồng cây sắn dây lên 1.000m2. Cây sắn dây được trồng từ đầu năm và cho thu hoạch vào giai đoạn tháng 11-12 nên gia đình bà Oanh tập trung thu hoạch và chế biến tinh bột sắn từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Từ năm 2022, bà Oanh đã đầu tư làm nhà xưởng; sắm máy dỡ củ, máy rửa, máy lột vỏ, máy nghiền, máy vắt, máy sấy bột. Tất cả các công đoạn được cơ giới hóa, vừa tiết kiệm công lao động, tăng năng suất và nâng cao chất lượng quy trình chế biến bột sắn dây đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Oanh tiết lộ, để làm ra 1kg tinh bột sắn dây ngon cần sử dụng từ 6-7kg củ tươi trong khoảng 15 ngày với rất nhiều công đoạn công phu, vất vả và đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người làm nghề. Củ sắn dây sau khi thu hoạch phải tiến hành sơ chế ngay thì mới giữ được hàm lượng tinh bột, không bị thâm đen. Sau khi rửa sạch, cạo vỏ rồi đưa vào nghiền nát, lọc bỏ bã xơ thô, tiếp tục ngâm qua 4-6 lần nước để lắng lọc tinh bột nguyên chất. Tinh bột sắn dây có trắng, chất lượng có ngon hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật chế biến, nhất là nguồn nước. Do vậy bà sử dụng nguồn nước sạch, không có tạp chất, hóa chất để chế biến tinh bột, đảm bảo còn nguyên mùi vị của sắn dây. Bên cạnh đó, việc sấy bột khô bằng máy đã giúp cho sản phẩm khô đều, màu trắng đẹp, thơm ngon, đảm bảo chất lượng và thời hạn sử dụng cũng kéo dài hơn.
Ngoài việc phát triển kênh bán hàng truyền thống thông qua các mối quen thuộc và hệ thống bán lẻ trực tiếp, bà Oanh còn nhanh nhạy đưa sản phẩm lên các mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá; học hỏi cách bán hàng trực tuyến, kết nối với các đơn vị vận chuyển bán hàng bằng thanh toán COD (thu tiền khi nhận hàng) hoặc chuyển tiền qua ngân hàng điện tử để tạo mạng lưới liên kết phân phối sản phẩm, tiếp cận rộng rãi với khách hàng. Sản phẩm tinh bột sắn dây của gia đình bà nhờ đó đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, được sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền và các ban, ngành chuyên môn trong huyện, sản phẩm tinh bột sắn dây của gia đình bà Oanh được lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP. Qua đó sản phẩm đã được hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất và được tư vấn thiết kế mẫu tem nhãn mác, bao bì phù hợp, hấp dẫn. Sản phẩm được đóng hộp với các khối lượng tịnh 500gr và 1kg giúp người tiêu dùng lựa chọn phù hợp với nhu cầu và túi tiền; việc bảo quản sản phẩm khi mở nắp sử dụng được tốt hơn. Trên mỗi sản phẩm OCOP “Tinh bột sắn dây ta Tiệp Oanh” còn được gắn tem QR cho phép người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh có thể truy xuất nguồn gốc, nắm bắt đầy đủ thông tin về sản phẩm chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, chế biến; các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… để minh bạch chất lượng hàng hóa, giúp tạo thêm uy tín và thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Vừa qua, sản phẩm “Tinh bột sắn dây ta Tiệp Oanh” của gia đình bà Oanh đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024.
Khi đã xây dựng được thương hiệu và thị trường cho sản phẩm của mình, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, ngoài lượng sắn dây ta của gia đình tự trồng, bà Oanh còn thu mua thêm sắn dây ta của các hộ dân trong vùng để chế biến. Nhờ đó, đã tạo thêm thu nhập ổn định cho các hộ trồng sắn dây trong vùng và tạo việc làm thời vụ cho 3-5 lao động địa phương với mức lương 400 nghìn đồng/ngày vào mỗi vụ thu hoạch sắn. Theo tính toán của bà Oanh, mỗi vụ gia đình bà tiêu thụ hơn 3,5 tấn sắn tươi, làm ra khoảng 5 tạ tinh bột sắn nguyên chất. Sản phẩm “Tinh bột sắn dây ta Tiệp Oanh” sau khi được đánh giá, thẩm định chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP và phân hạng đã giúp nâng cao giá trị khoảng 10% với giá bán 250 nghìn đồng/kg; doanh thu ước đạt trên 120 triệu đồng/vụ.
Không chỉ là người nông dân năng động tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh của địa phương, bà Phan Thị Oanh còn tích cực tham gia công tác xã hội ở cơ sở như: Ban công tác Mặt trận, Hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tam Quang. Nhiệt tình trong các công tác chính quyền, đoàn thể, bà Oanh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh để giúp cho các hội viên phụ nữ, nông dân trong thôn, xã vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống gia đình, được mọi người yêu quý và tín nhiệm.
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, bà Phan Thị Oanh đã xây dựng thành công thương hiệu tinh bột sắn dây, đưa loại nông sản quen thuộc, dân dã của địa phương trở thành hàng hóa đặc sản. Thành công từ mô hình đã khích lệ các hộ nông dân khác trong huyện phát triển những nông sản truyền thống, đặc trưng của địa phương thành các sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, đồng thời tăng nguồn thu nhập, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/tao-them-nguon-thu-nhap-khatutinh-bot-san-day-e15594d/