Dồn lực phát triển cảng nước sâu Gemalink
Cảng Gemalink hiện đã vượt công suất Giai đoạn 1 và dự kiến đạt sản lượng tới 1,8 triệu TEUs trong năm nay.
Đón đầu xu hướng tăng kích cỡ tàu của các hãng vận tải lớn trên thế giới, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) đang tập trung cải thiện và phát triển cảng Gemalink tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng nước sâu lớn hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Giai đoạn 1 của Cảng Gemalink đã được đưa vào khai thác từ năm 2021 với công suất 1,5 triệu TEUs/năm. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, cảng Gemalink hiện đã khai thác vượt công suất tối đa và dự kiến sẽ đạt sản lượng tới 1,7 - 1,8 triệu TEUs trong năm nay.
Theo đó, tập đoàn dự kiến sẽ khởi công Giai đoạn 2A của cảng Gemalink (công suất 950.000 TEU/năm) trong quý 4/2025 và đưa vào khai thác trong năm 2027. Sau khi hoàn thành, chiều dài cầu bến chính cho tàu mẹ sẽ lên tới 950 m (tăng thêm 150 m), đủ sức đón tàu mẹ có trọng tải 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Giai đoạn 2B dự kiến sẽ được triển khai khi Giai đoạn 2A đạt 85% công suất.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, khả năng lấp đầy công suất Giai đoạn 2A - Cảng Gemalink dự kiến sẽ diễn ra nhanh trong bối cảnh tăng trưởng sản lượng chung của toàn cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang ở mức 2 con số.
Hiệu suất khai thác cảng Gemalink và dự báo trong thời gian tới. (Nguồn: Tập đoàn Gemadept, Chứng khoán MB)
Đặc biệt, cảng Gemalink có lợi thế lớn khi đối tác khai thác cảng với Tập đoàn Gemadept là CMA Terminals (nắm 25% vốn góp) - đơn vị thành viên hãng tàu CMA CGM (Pháp). CMA CGM hiện là hãng vận tải container lớn thứ 3 thế giới và đóng vai trò chủ chốt trong liên minh OCEAN Alliance - liên minh vận tải biển lớn nhất thế giới với tổng sức chở đạt 6 triệu TEUs.
So với các liên minh khác, OCEAN Alliance nắm thị phần cao tại 2 tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất là tuyến châu Á - châu Âu và tuyến xuyên Thái Bình Dương. Theo đó, các tàu của CMA CGM nói riêng, liên minh OCEAN Alliance sẽ ưu tiên ghé cảng Gemalink. Trên thực tế, CMA CMG đã thực hiện hiệu quả cam kết đảm bảo cung cấp sản lượng cho cảng Gemalink ngay từ khi Giai đoạn 1 đi vào khai thác.
Bên cạnh đó, các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải đánh giá cao vị trí thuận lợi cũng như chất lượng dịch vụ tại cảng Gemalink. Đặc biệt, tốc độ xếp dỡ của cảng đang tốt hơn so với bình quân các nhóm cảng biển lớn trên cả nước. Do đó, Tập đoàn Gemadept đã thu hút được thêm các khách hàng lớn thường xuyên vào làm hàng tại cảng Gemalink, nhất là các tàu mẹ có tải trọng từ 100.000 DWT trở lên, lớn gấp 1,01 - 4,6 lần so với các cảng khác tại khu vực lân cận.
Theo đó, Chứng khoán MB nhận định Tập đoàn Gemadept có thể khai thác Giai đoạn 2B - Cảng Gemalink ngay từ cuối năm 2028.
Hưởng lợi từ “siêu” cảng Cần Giờ
Liên quan đến dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (công suất tối đa 16,9 triệu TEUs), tuy vị trí tương đối gần cảng Gemalink, nhưng Chứng khoán MB đánh giá sản lượng thông qua cảng Gemalink sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thay vào đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng thông qua cảng Gemalink trong dài hạn. Do dự án cảng Cần Giờ được định hướng trở thành trung tâm vận chuyển và tiếp nhận hàng hóa tàu mẹ (tối đa 250.000 DWT) cho các hãng tàu lớn; trong khi đó, cảng Gemalink được định vị là cửa ngõ quốc tế, xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu.
Dữ liệu của Chứng khoán MB cho thấy, 95% sản lượng hàng hóa thông qua cảng Gemalink là hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp và 5% còn lại là lượng hàng trung chuyển từ tàu mẹ. Qua đó, dự án cảng Cần Giờ đi vào khai thác sẽ không tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp mà còn thu hút thêm các khách hàng sử dụng dịch vụ tại cảng Gemalink.
Dựa trên điều kiện hiện tại, Chứng khoán MB dự báo Tập đoàn Gemadept sẽ ghi nhận 5.612 tỷ đồng doanh thu và 2.128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay, lần lượt tăng 16% và tăng 13% so với năm 2024.
Minh Huế