Sản lượng điện tại dự án Điện gió 7A của Tập đoàn Hà Đô được dự báo sẽ tăng 21% trong năm nay.
Kết thúc quý 1/2025, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG - sàn HoSE) ghi nhận gần 599 tỷ đồng doanh thu và khoảng 207 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 29% và 21% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, mảng năng lượng và mảng bất động sản lần lượt đóng góp 84,11% và 19,4% cơ cấu doanh thu của tập đoàn này.
Năm nay, Tập đoàn Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất ở mức 2.936 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 1.057 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành khoảng 20,4% kế hoạch doanh thu và 19,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Mặc dù khởi đầu quý 1/2025 với tốc độ chậm, Chứng khoán Bảo Việt mới đây đánh giá năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt với Tập đoàn Hà Đô khi mảng năng lượng thoát khỏi các khó khăn. Qua đó, doanh thu thuần cả năm nay của Tập đoàn Hà Đô có thể đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024, giúp lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số tăng tới 69%, đạt 590 tỷ đồng, theo Chứng khoán Bảo Việt.
Kết quả kinh doanh mảng năng lượng của Tập đoàn Hà Đô qua các quý. (Nguồn: Tập đoàn Hà Đô, Chứng khoán Bảo Việt)
Cụ thể, trong mảng năng lượng, các nhà máy thủy điện của Tập đoàn Hà Đô với tổng công suất lên tới 314 MW dự kiến sẽ gia tăng đáng kể sản lượng điện khi tình hình thủy văn thuận lợi hơn dưới hình thái thời tiết La Nina, giúp tạo nguồn thu ổn định cho tập đoàn.
Chứng khoán Bảo Việt dự báo tổng sản lượng thủy điện của Tập đoàn Hà Đô trong năm nay sẽ đạt 1,22 tỷ kWh với tổng doanh thu đạt 1.421 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024. Riêng trong quý 1/2025, sản lượng từ các nhà máy thủy điện của tập đoàn này đã tăng trưởng 39%, đạt 235 triệu kWh.
Trong lĩnh vực điện gió, đầu năm nay, Tập đoàn Hà Đô và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết Phụ lục Hợp đồng mua bán điện (PPA) đối với dự án Điện gió 7A (50 MW, Ninh Thuận) và loại bỏ điều khoản cắt giảm sản lượng tự động trong Hợp đồng PPA.
Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho sản lượng điện của nhà máy cao hơn so với các năm trước đây. Như trong quý 1/2025, sản lượng của dự án Điện gió 7A đã tăng khoảng 48% so với cùng kỳ năm 2024. Chứng khoán BảoViệt dự báo sản lượng của dự án Điện gió 7A trong cả năm 2025 sẽ đạt 130 triệu kWh, tăng 21% so với năm 2024, giúp doanh thu tăng 22%, đạt 268 tỷ đồng.
Kế hoạch phát triển nguồn điện của Tập đoàn Hà Đô trong giai đoạn 2025 - 2030. (Nguồn: Tập đoàn Hà Đô, Chứng khoán Bảo Việt)
Với lĩnh vực điện mặt trời, cả 2 dự án Hồng Phong 4 (48 MW, Bình Thuận) và SP Infra 1 (50 MW, Ninh Thuận) đều nằm trong danh sách các dự án sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, dự án Hồng Phong 4 được xây dựng trên vùng đất thuộc vùng dự trữ khoáng sản Quốc gia và dự án SP Infra 1 được công nhận vận hành thương mại, nhưng có giấy chứng nhận nghiệm thu sau ngày kết thúc ưu đãi giá FiT. Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, bao gồm 2 dự án trên.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, 2 dự án trên có thể sẽ bị cắt giảm giá FiT, điều chỉnh từ mức 9,35 cents/kWh về 1.185 đồng/kWh (tương đương mức giá cho các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp); đồng thời, EVN sẽ hồi tố phần doanh thu chênh lệch trong quá khứ. Trong năm 2024, Tập đoàn Hà Đô đã thực hiện trích lập hơn 500 tỷ đồng cho toàn bộ doanh thu trước đây của dự án Hồng Phong 4. Dự kiến, tập đoàn này sẽ tiếp tục trích lập dự phòng doanh thu cho dự án SP Infra 1 trong năm nay, ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
Như vậy, sau khi trích lập xong các khoản dự phòng rủi ro này, Chứng khoán Bảo Việt cho rằng những khó khăn nhất trong mảng năng lượng của Tập đoàn Hà Đô đã qua, mở ra chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ ở các năm tiếp theo.
Trong kế hoạch phát triển, Tập đoàn Hà Đô đặt mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng thêm 806 MW công suất các nhà máy trong giai đoạn 2025 - 2030, tập trung chủ yếu vào điện gió, trong bối cảnh Chính phủ nói chung, Bộ Công Thương nói riêng đang khẩn trương xây dựng, ban hành nhiều cơ chế để thúc đẩy thực hiện phát triển nguồn điện, trong đó có năng lượng tái tạo.
Minh Huế