Ngày 27/11, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị tập huấn những quy định mới về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Luật Đường bộ năm 2024; Hướng dẫn một số nội dung về chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cho lãnh đạo các Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố Nam Định; lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị quản lý đường bộ…
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến về Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, gồm 6 Chương, 86 Điều tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn theo hướng ứng dụng công nghệ, người điều khiển phương tiện, thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không chỉ là xương sống của hệ thống giao thông mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Giao thông Vận tải.
Chương II của Luật Đường bộ 2024 gồm 36 Điều đã bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định mới về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm: Tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý; Bảo đảm chất lượng và tuổi thọ của công trình giao thông; Ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra bước đột phá trong quản lý và bảo vệ hạ tầng. Chuyển đổi số được xem là giải pháp chiến lược, giúp tối ưu hóa các nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe phổ biến thực trạng, định hướng và lộ trình thực hiện chuyển đổi số của ngành Giao thông Vận tải nói chung, về lĩnh vực quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các giải pháp, đề xuất thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
Hội nghị giúp các đại biểu nghiên cứu, hiểu rõ hơn các quy định mới trong Luật Đường bộ 2024; trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về giải pháp áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông… Qua đó lồng ghép các quy định mới vào kế hoạch phát triển giao thông ở địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ số để giám sát, bảo trì và quản lý tài sản hạ tầng giao thông; đào tạo nhân lực có năng lực và kiến thức về công nghệ mới, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo các công trình giao thông được bảo trì, bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông…
Tin, ảnh: Thành Trung