Lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ một công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông tại Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa Sỹ Hào.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, ông Hoàng Văn Bản, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp xã, để tuyên truyền và tổ chức giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.
Từ đầu năm 2024 tới nay, lực lượng Thanh tra giao thông đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng thực hiện 12 kế hoạch giải tỏa (2 kế hoạch của Thanh tra, 10 kế hoạch của địa phương), qua đó đã giải tỏa nhiều trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, nhiều tuyến đường đã trở nên thông thoáng hơn.
“Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đã tạm giữ nhiều tang vật vi phạm (trên 500 biển quảng cáo, 500 cây chống, 5 cột điện, 3 cầu xe ô tô cũ, 2 động cơ, 2 hộp số, 2 xe máy cũ...). Tất cả các tang vật tạm thu giữ đều bàn giao cho chính quyền địa phương (cấp xã) quản lý, xử lý theo quy định. Thanh tra Sở GTVT đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm” - ông Hoàng Văn Bản thông tin.
Trước đó, Thanh tra Sở GTVT Vĩnh Phúc đã tham mưu Sở ban hành nhiều văn bản về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ (Văn bản số 1342/SGTVT-TTr ngày 22/4/2024 về việc phối hợp giải tỏa vi phạm hành làng an toàn đường bộ; Văn bản số 1614/SGTVT-TTr ngày 15/5/2024 về việc tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; Văn bản số 2862/SGTVT-TTr ngày06/9/2024 về việc nghiêm cấm tuốt lúa, phơi rơm, rạ, thóc lúa và đốt rơm rạ trên đường bộ; Văn bản số 3577/SGTVT-TTr ngày 29/10/2024 về việc phối hợp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ... ).
Đồng thời, đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông; thường xuyên duy trì, chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ; quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương thường xuyên để tình trạng sử dụng lòng đường trái phép, không có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Xác định công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa, xử lý các trường hợp vi phạm là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp phải được làm thường xuyên, liên tục, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền địa phương.
Trong thời gian tới, Thanh tra Sở GTVT sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn.
Sỹ Hào