Tăng giá đón “sóng” cải tạo
Theo thông tin về nhà ở và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, cùng với xu hướng tăng giá của căn hộ chung cư mới, căn hộ chung cư cũ đã sử dụng 10 năm, thậm chí căn hộ tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá rao bán khá cao. Mức giá rao bán tăng trung bình khoảng 38% so với năm 2019.
Dữ liệu từ Savills cũng cho thấy, trong bối cảnh giá nhà ở tăng cao, thị trường đang chứng kiến sự mất cân đối giữa nguồn cầu và nguồn cung căn hộ, đặc biệt là với các sản phẩm ở phân khúc vừa túi tiền. Do đó, căn hộ tập thể cũ, với diện tích vừa phải, nằm tại nội đô, là một sự lựa chọn cho các gia đình nhỏ, ít người. Giá các căn nhà tập thể, chung cư cũ vì thế tiếp tục leo thang.
Thông tin về kế hoạch cải tạo các khu tập thể cũ đã nhanh chóng đẩy giá phân khúc này lên cao “đột biến”. Theo khảo sát thực tế, bất chấp tình trạng sập xệ, xuống cấp, tập thể cũ có nơi tăng giá hơn 100 triệu đồng/m2. Cụ thể, tại khu tập thể Kim Liên, giá nhà tập thể thời điểm đầu năm nay dao động trong khoảng 40-45 triệu đồng/m2 nhưng nay đã vọt lên 70-85 triệu đồng/m2 đối với các căn có diện tích sổ đỏ khoảng 40m2.
Tại khu tập thể Nghĩa Tân một căn tập thể cũ khu D4, diện tích sổ đỏ 32m2 nhưng được cơi nới sử dụng 70m2 đang được chào giá 5,75 tỷ đồng, tương đương 82 triệu đồng/m2. Tương tự, khu tập thể Thành Công, một căn nhà có vị trí tại tầng 1, diện tích 68m2 đang được rao bán 7,3 tỷ đồng, tương đương 107,3 triệu đồng/m2. Một căn khác có diện tích sổ đỏ 17m2, diện tích sử dụng 100m2 đang được chào bán 4,25 tỷ đồng, tương đương 250 triệu đồng/m2.
Giá nhà tập thể cũ liên tục nhảy múa theo sóng cải tạo. Ảnh: Lê Tâm (ảnh chụp tại khu tập thể Thành Công).
Bà Lê Thị Thanh (khu tập thể Thành Công) cho biết, bà sống ở đây từ thời điểm mới bàn giao những căn hộ nhưng chưa bao giờ nghĩ giá của những căn hộ ở đây lại có thể lên đến gần 100 triệu đồng/m2. Đặc biệt, sau thông tin thành phố chủ trương cải tạo lại nhà tập thể, chung cư cũ, giá của các căn nhà tại đây càng tăng cao.
“Cuối năm ngoái, giá nhà tập thể tại đây chỉ dao động trong khoảng 40 - 55 triệu đồng/m2, nhưng nay đã tăng vọt lên gần 100 triệu đồng/m2 sau thông tin cải tạo. Một số căn nhà có diện tích trong sổ đỏ chỉ 40m2 nhưng diện tích sử dụng gần 100m2 được rao bán với giá từ 5 - 6,5 tỷ đồng. Những căn này thường nằm ở vị trí trung tâm thành phố, gần trường học, bệnh viện…Đặc biệt, đây đều là những căn sẽ được cải tạo, xây dựng lại tổng thể nên ngày càng có giá trị và được người mua cân nhắc lựa chọn” - bà Lê Thị Thanh chia sẻ.
Chị Nguyệt Ánh (35 tuổi, sống tại phường Cầu Giấy) cho biết, sở dĩ các căn hộ tập thể cũ có giá trị bởi người mua thường không để ở, mà cải tạo lại để cho thuê lâu dài, chờ ngày được đền bù dự án xây dựng lại. Một số căn ở vị trí tầng một còn được sửa sang để cho thuê kinh doanh quán cà phê, làm đẹp, quán ăn.
“Sau khi có thông tin khu tập thể Nghĩa Tân đang được lập quy hoạch tổng thể cải tạo, xây dựng lại, giá bán các căn nhà tại đây càng tăng, dao động từ 65 - 90 triệu đồng/m2 đối với các căn hộ có diện tích từ 50 - 80m2. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn cân nhắc do chất lượng của các căn nhà và chưa có thời gian cụ thể được cải tạo, đền bù” - chị Nguyệt Ánh chia sẻ.
Cẩn trọng mua nhà tập thể cũ
Đồ án cải tạo, thiết kế lại toàn bộ các khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đang được thành phố thúc đẩy triển khai trong thời gian tới. Sự khẩn trương, đốc thúc trên cho thấy quyết tâm của TP Hà Nội trong việc tạo diện mạo mới khang trang hơn, an toàn hơn cho các khu tập thể, chũng cư cũ 40-50 năm, đặc biệt là những tòa nhà cảnh báo nguy hiểm, cần di dời gấp. Động thái này cũng mở ra một “miếng bánh béo bở” đối với các nhà đầu tư kỳ vọng đón sóng cải tạo và tái phát triển quỹ nhà ở ngay tại trung tâm thành phố.
Anh Văn Tuấn (môi giới BĐS) cho biết, căn hộ nhà tập thể cũ tăng giá theo “sóng” tăng giá chung cư ở Hà Nội năm 2024. Bên cạnh đó, tâm lý đón đầu quy hoạch cải tạo khiến nhiều nhà đầu tư và người dân tích cực săn lùng các căn hộ cũ, đẩy giá bán lên cao.
“Từ sau khi có thông tin một số khu tập thể cũ được cải tạo, quy hoạch lại thì giá nhà đã tăng từ 10 - 15%. Rồi đến thời điểm những căn tập thể cũ được xây dựng lại thành các chung cư cao tầng thì giá đã tăng thêm có nơi 20% so với thời điểm tăng giá trước đó. Nhận thấy cơ hội đầu tư sinh lời, nhiều người đã tìm mua nhà tập thể cũ để chờ đón sóng và bán ra với mức giá cao hơn” - anh Văn Tuấn chia sẻ.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, nguyên nhân khiến giá nhà tập thể cũ Hà Nội tăng cao là do có vị trí nằm tại trung tâm. Bên cạnh đó, giá của phân khúc này cao còn do ảnh hưởng từ giá chung cư và nhà trong ngõ vừa qua. Tuy nhiên, mức giá đang tăng cao phi lý nên người mua cần thận trọng, xem xét kỹ các yếu tố khi quyết định xuống tiền.
Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng các yếu tố trước khi quyết định xuống tiền. Ảnh: Lê Tâm (ảnh chụp tại khu tập thể Nghĩa Tân).
Đề cập đến nội dung trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính nhận định, nguyên nhân khiến loại hình này trở thành “điểm ngắm” của nhiều nhà đầu tư là nhờ vào vị trí đắc địa, ngay tại trung tâm Thủ đô, nơi quỹ đất hạn chế và nguồn cung dự án mới ngày càng khan hiếm. Cùng với đó, nhu cầu sở hữu nhà ở tại nội đô, đặc biệt những căn hộ có mức giá dễ tiếp cận hơn so với dự án thương mại, vẫn gia tăng mạnh.
“Tuy nhiên, thực tế tại các khu tập thể cũ, diện tích căn hộ được xây dựng ban đầu thường khá nhỏ, qua nhiều năm người dân đã cơi nới thêm không gian sinh hoạt. Phần diện tích cơi nới này không được công nhận trong sổ đỏ, cũng không được tính vào diện tích hợp pháp khi giao dịch mua bán hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng sau này. Vì vậy, dù thông tin cải tạo, xây dựng lại đang được thành phố đẩy mạnh, người mua cần thận trọng và cân nhắc kỹ các rủi ro pháp lý trước khi quyết định chốt mua” - TS Nguyễn Văn Đính khuyến cáo.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cũng cho rằng người mua nên tìm hiểu kỹ chất lượng công trình, diện tích sử dụng thực tế cũng như hồ sơ pháp lý của căn hộ tập thể cũ. Đồng thời, cần chuẩn bị tâm lý về việc có thể phải chờ đợi trong thời gian dài để kế hoạch cải tạo được triển khai, hoàn thiện.
“Trước đây, giá các căn hộ tập thể cũ không bị đẩy lên quá cao do tiến độ cải tạo kéo dài, nhiều dự án liên tục bị lùi tiến độ. Nhưng gần đây, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm lớn trong việc tái thiết chung cư cũ, cùng với các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại chỗ khá hấp dẫn, khiến mặt bằng giá của phân khúc này gia tăng đáng kể. Động thái này cũng thu hút nhiều nhà đầu tư đón đầu cơ hội, đẩy giá tập thể cũ vốn đã cao nay càng cao hơn” - ông Nguyễn Thế Điệp nhận định.
Lê Tâm