Triển vọng tích cực về thị trường bất động sản miền Trung

Triển vọng tích cực về thị trường bất động sản miền Trung
5 giờ trướcBài gốc
Nửa đầu năm 2025 có 950 căn hộ mở bán mới (Một dự án căn hộ cao cấp nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải, Đà Nẵng) Ảnh: Hải Âu-TTXVN.
Việc thành phố Đà Nẵng hợp nhất với tỉnh Quảng Nam từ ngày 1/7, cũng như Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1 đã mở ra triển vọng khởi sắc về thị trường bất động sản của 2 thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Trung.
Đa dạng nguồn cung cho thị trường
Thị trường bất động sản Đà Nẵng được đánh giá đang có triển vọng tích cực, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và sự bùng nổ của ngành du lịch. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 11,7% trong 6 tháng đầu năm; trong đó, ngành công nghiệp xây dựng tăng 17,21% và dịch vụ tăng 10,98%, Đà Nẵng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm phát triển kinh tế của khu vực miền Trung.
Ngành du lịch cũng đóng vai trò quan trọng, khi tổng lượt khách lưu trú 6 tháng đầu năm đạt 5,8 triệu lượt, tăng 18,9% so với cùng kỳ, tạo sức cầu lớn cho các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ và khách sạn cao cấp; trong đó, từ đầu năm đến nay, thị trường căn hộ bán tại Đà Nẵng ghi nhận thêm 950 căn hộ mở bán mới từ 4 dự án, nâng tổng số lượng căn hộ hiện có trên thị trường lên gần 12.300 căn hộ thuộc 12 dự án, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán sơ cấp trung bình của các dự án căn hộ tại Đà Nẵng tăng mạnh trong vòng một năm qua, cụ thể tăng 27% theo năm và đạt mức 85 triệu đồng/m2 thông thủy tại thời điểm tháng 6/2025. Phần lớn các dự án mở bán từ năm trước đến nay đều ghi nhận mức giá 65 triệu đồng/m2; trong đó, thời gian nửa đầu năm 2025, thị trường Đà Nẵng có thêm các dự án hạng sang nằm ngay trung tâm và dọc sông Hàn ghi nhận giá bán lên đến 130 và 200 triệu đồng/m2 thông thủy.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành Công ty Dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam, trong 3 năm tới thị trường căn hộ Đà Nẵng được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn cung mới với tổng cộng khoảng 10.000 căn hộ mở bán mới. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2024-2027 ước đạt 26% về nguồn cung, trong khi mặt bằng giá sơ cấp được dự báo tăng trưởng kép đạt 15%/năm cùng giai đoạn.
Nhiều dự án căn hộ ở Đà Nẵng được hình thành. Ảnh: Hải Âu-TTXVN.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Huế đang trải qua giai đoạn chuyển mình với nhiều tín hiệu tích cực. Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025, đây là một động lực lớn, tạo ra kỳ vọng về sự phát triển kinh tế - xã hội, kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu tư và gia tăng nhu cầu về nhà ở. Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng thị trường bất động sản Huế trong 6 tháng đầu năm nhìn chung vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Huế, thị trường bất động sản ở Huế trong quý II/2025, lượng giao dịch đất nền trong khu dân cư hiện hữu và tại các dự án bất động sản không tăng so với 3 tháng đầu năm. Trong quý II, không có dự án cho phép chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để xây dựng nhà ở (đất nền) được thực hiện, cũng không có dự án nhà ở thương mại cấp phép mới, mà chỉ ghi nhận 4 dự án đang triển khai và 6 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 898 căn, tổng vốn đầu tư 578 tỷ đồng; 1 dự án được cấp phép xây dựng với 720 căn hộ; 2 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô khoảng 1.805 căn; và 1 dự án đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai, với dự kiến cung cấp ra thị trường 210 căn.
Theo ông Hoàng Tiến Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huế, thời gian qua mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, pháp lý hàng loạt dự án, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, tiếp tục giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên các chính sách này vẫn chưa thật sự thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý II/2025 vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên so với quý I/2025. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi.
Dự án Condotel, khách sạn Soleil Ánh Dương Đà Nẵng nằm trên đường Phạm Văn Đồng, phường An Hải. Ảnh: Hải Âu- TTXVN
Kỳ vọng ở phân khúc bất động sản công nghiệp
Trong nửa đầu năm 2025, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ về Đà Nẵng với giá trị hơn 62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch bán dẫn và công nghệ thông tin. Song song đó, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm đạt gần 22.000 tỷ đồng. Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng từ đầu tháng 7/2025 cũng mở rộng không gian phát triển, nâng quy mô dân số và quỹ đất tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Gần đây nhất, ngày 13/6 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam đặt tại Đà Nẵng. Khu thương mại tự do Đà Nẵng có quy mô 1.881 ha, được bố trí tại 7 vị trí không liền kề, gồm các khu chức năng: sản xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo và các loại hình khu chức năng khác. Đây là nơi các doanh nghiệp được hỗ trợ đặc biệt như giảm thuế, thủ tục nhanh gọn và ưu đãi về công nghệ, mục tiêu biến Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế hiện đại không chỉ của miền Trung mà còn kết nối với các nước ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Triển vọng tích cực ở phân khúc bất động sản công nghiệp ở Đà Nẵng (Khu công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: Hải Âu-TTXVN.
Trong khi đó, nửa đầu năm 2025, thành phố Huế bứt phá ấn tượng với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,36%, du lịch hồi sinh mạnh mẽ và công nghiệp chuyển mình rõ nét. Điều này không chỉ khẳng định sức bật của nền kinh tế Huế mà còn mở ra cơ hội vàng cho các nhà đầu tư khai phá thị trường bất động sản giàu tiềm năng.
Bên cạnh đó, Huế tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Đến tháng 7/2025 các khu kinh tế, công nghiệp của thành phố Huế đã có trên 180 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 155.500 tỷ đồng; trong đó có 53 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký gần 75.700 tỷ đồng. Từ nửa đầu năm 2025, Huế cũng thu hút hơn 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư với 19 dự án mới và 461 doanh nghiệp thành lập mới. Đáng chú ý, công nghiệp – xây dựng Huế đang vươn lên thành đầu tàu tăng trưởng với mức tăng 2,72%-15%, nhờ làn sóng công nghiệp mới thay thế các ngành truyền thống.
Triển vọng tích cực ở phân khúc bất động sản công nghiệp ở Đà Nẵng (Khu công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: Hải Âu-TTXVN.
Những yếu tố trên đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển công nghiệp, tạo ra kỳ vọng lớn cho cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản công nghiệp nói riêng ở hai thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Trung là Huế và Đà Nẵng sẽ phát triển trong thời gian tới.
Hải Âu/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/trien-vong-tich-cuc-ve-thi-truong-bat-dong-san-mien-trung/381845.html