Tập thể dục giúp ngăn ngừa huyết khối (cục máu đông)

Tập thể dục giúp ngăn ngừa huyết khối (cục máu đông)
3 ngày trướcBài gốc
1. Tại sao tập thể dục giúp ngăn ngừa huyết khối?
Việc tập luyện thường xuyên, đều đặn đóng vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ hình thành huyết khối, cụ thể:
- Giúp cải thiện lưu thông máu, cơ bắp khỏe mạnh, hỗ trợ tĩnh mạch đẩy máu từ chi dưới về tim, giảm tình trạng ứ động máu.
- Tập luyện đều đặn, đặc biệt là các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc co duỗi chân, giúp ngăn ngừa nguy cơ tái phát huyết khối ở những người đã từng mắc bệnh.
- Hoạt động thể chất có tác dụng kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết và hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý, góp phần hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông.
Tập luyện đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
2. Một số bài tập tăng cường lưu thông máu, ngăn ngừa cục máu đông
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nên tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần (tương đương 150 phút mỗi tuần).
2.1. Bài tập tại chỗ (dành cho người phải ngồi lâu hoặc hạn chế vận động)
Khi phải ngồi lâu do tính chất công việc, đi lại đường dài hoặc sau phẫu thuật, việc thực hiện các bài tập vận động đơn giản ngay tại chỗ có thể giúp kích thích lưu lượng máu, giảm ứ trệ tuần hoàn và phòng ngừa cục máu đông.
- Gập - duỗi cổ chân: Ngồi thẳng lưng, gập bàn chân lên và duỗi xuống nhịp nhàng, lặp lại 10-15 lần mỗi chân.
- Xoay cổ chân: Ngồi thẳng lưng, nâng nhẹ chân và xoay cổ chân theo vòng tròn, thực hiện 10 vòng theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
- Co duỗi cơ đùi: Ngồi thẳng lưng, siết chặt cơ đùi và giữ 5-10 giây, sau đó thả lỏng, lặp lại 10-15 lần mỗi bên.
- Nâng gót chân: Đứng, tay vịn vào ghế hoặc tường, nâng gót chân lên, đứng bằng mũi chân, sau đó hạ xuống, thực hiện 10-15 lần, có thể tăng dần số lần.
- Gập gối và kéo về ngực: Nằm ngửa, co một bên gối, kéo nhẹ về phía ngực, giữ 10-15 giây, sau đó đổi bên.
Khi phải ngồi lâu do tính chất công việc, bạn có thể thực hiện xoay cổ chân để kích thích lưu lượng máu, giảm ứ trệ tuần hoàn và phòng ngừa cục máu đông.
2.2. Bài tập toàn thân
Các bài tập toàn thân với cường độ vừa phải, được thực hiện thường xuyên, giúp tăng cường hệ tuần hoàn, giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
- Đi bộ nhanh: Đi bộ nhanh trong 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện lưu thông máu, đặc biệt ở chi dưới.
- Đạp xe: Đạp xe ngoài trời hoặc sử dụng xe đạp tập trong nhà là lựa chọn tốt cho tim mạch, đồng thời tăng cường vận động cơ chân và tuần hoàn máu.
- Bơi lội: Bơi lội đều đặn không chỉ giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông mà còn góp phần kiểm soát huyết áp, duy trì cân nặng và nâng cao sức bền tim mạch.
- Yoga: Các động tác yoga nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ thể, đồng thời cải thiện lưu thông máu và kiểm soát huyết áp.
- Thái cực quyền: Là hình thức luyện tập dưỡng sinh, kết hợp chuyển động chậm rãi và điều hòa hơi thở, giúp kích thích hệ tuần hoàn và hỗ trợ kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Thái cực quyền là hình thức luyện tập dưỡng sinh, kết hợp chuyển động chậm rãi và điều hòa hơi thở, giúp kích thích hệ tuần hoàn.
3. Lưu ý đảm bảo tập luyện an toàn, đúng cách
- Khởi động kỹ trước khi tập: Dành 5-10 phút khởi động nhẹ nhàng để làm nóng cơ thể, hạn chế nguy cơ chấn thương.
- Lựa chọn hình thức và cường độ phù hợp: Cần lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng, tuổi tác và tình trạng sức khỏe; tránh tập quá sức, đặc biệt ở người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh lý xương khớp.
- Theo dõi dấu hiệu cơ thể: Trong quá trình tập, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau tức ngực, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh bất thường, chuột rút, nên dừng tập và nghỉ ngơi.
- Duy trì đều đặn, tránh ngắt quãng: Tập luyện cần thực hiện thường xuyên, tối thiểu 3-5 ngày mỗi tuần để đạt hiệu quả lâu dài; tránh tập quá dồn dập rồi bỏ dở, không duy trì được thói quen.
- Uống đủ nước: Bổ sung nước trước, trong và sau khi tập để tránh mất nước.
- Trang phục phù hợp: Mặc quần áo thoải mái, thoáng khí và chọn giày thể thao có độ đàn hồi tốt khi thực hiện các bài tập toàn thân.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện.
Mời bạn đọc xem thêm:
BSCKI Ngô Đức Nhuân
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tap-the-duc-giup-ngan-ngua-huyet-khoi-cuc-mau-dong-169250327101517512.htm