HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình Phát triển đô thị TP. Cam Ranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình đã cụ thể hóa định hướng phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch tỉnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị du lịch - logistics theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
7 khu vực phát triển
Theo Đồ án Chương trình Phát triển đô thị TP. Cam Ranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cam Ranh được chia thành 7 khu vực phát triển đô thị. Cụ thể: Khu vực 1 (gồm các phường: Cam Lợi, Cam Linh, Cam Thuận, Cam Phú và một phần các phường: Ba Ngòi, Cam Lộc, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc) là Khu đô thị hành chính công cộng - thương mại dịch vụ trung tâm, có diện tích 2.805ha, quy mô dân số khoảng 255.000 người. Đây được xác định là trung tâm hành chính - chính trị, công cộng, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, lịch sử của thành phố; là khu vực phát triển đô thị logistics gắn với phát triển du lịch lễ hội.
Cảng Cam Ranh có nhiều điều kiện để phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics.
Khu vực 2 (thuộc một phần các xã, phường: Cam Phước Đông, Cam Lộc, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc và Cam Thành Nam) là khu vực phát triển du lịch văn hóa và bảo tồn thiên nhiên với diện tích 2.934ha, quy mô dân số 30.000 người. Đây sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch phát triển đa dạng các loại hình du lịch; là khu vực có giao thông thuận tiện kết nối dễ dàng với trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ, khu hỗn hợp mật độ cao trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Khu vực 3 (gồm một phần các xã, phường: Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc và Cam Thành Nam) là khu đô thị sinh thái thương mại - dịch vụ hậu cần gắn với sân bay, có diện tích 2.176ha, quy mô dân số 160.000. Đây là khu đô thị logistics tổng hợp, hậu cần cảng hàng không quốc tế, cảng khách quốc tế đường thủy, bến xe; đồng thời là khu vực cửa ngõ phía bắc TP. Cam Ranh với vai trò đô thị du lịch, đón luồng khách lưu trú từ cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy.
Khu vực 4 (phường Cam Nghĩa) là khu đô thị dịch vụ - du lịch có diện tích 2.200ha, quy mô dân số khoảng 78.000 người. Đây là khu đô thị ven biển, là trung tâm đầu mối giao thông đường hàng không, đường biển và là khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển.
Khu vực 5 (thuộc một phần phường Ba Ngòi và xã Cam Phước Đông) là khu vực phát triển du lịch, nông nghiệp và cảnh quan sinh thái với diện tích khoảng 2.435ha, quy mô dân số khoảng 65.000 người. Nơi đây hình thành các đơn vị ở thấp tầng xen giữa các khu đất nông nghiệp; là khu thoát lũ quan trọng của TP. Cam Ranh; đồng thời là khu vực phát triển du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp.
Khu vực 6 (thuộc xã Cam Thịnh Đông và một phần xã Cam Thịnh Tây) là khu đô thị công nghiệp - logistics với diện tích khoảng 2.995ha, quy mô dân số khoảng 90.000 người.
Khu vực 7 (thuộc xã Cam Lập và một phần 2 xã Cam Thịnh Đông, Cam Bình) là khu đô thị - dịch vụ du lịch bán đảo với diện tích khoảng 3.287ha, quy mô dân số khoảng 130.000 người.
Cần nguồn vốn lớn
Theo đại diện Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị TP. Cam Ranh, để phát triển Cam Ranh trở thành đô thị du lịch - logistics theo đúng định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, UBND TP. Cam Ranh đề ra giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Một góc TP. Cam Ranh.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đô thị, UBND TP. Cam Ranh kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại thành phố đi kèm với các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, đồng hành với nhà đầu tư; tích cực tham gia các hội nghị quốc gia về xúc tiến đầu tư; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên trên địa bàn thành phố theo các chủ đề, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Đồng thời, tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển đô thị từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó cần tập trung đẩy mạnh hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị thông minh.
Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phục vụ phát triển đô thị trong giai đoạn đến năm 2030 dự kiến khoảng 217.608 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 10.036 tỷ đồng (chiếm 4,6%), ngân sách tỉnh hơn 12.620 tỷ đồng (chiếm 5,8%); ngân sách TP. Cam Ranh hơn 1.375 tỷ đồng (chiếm 0,6%); các nguồn vốn kêu gọi khác khoảng 193.575 tỷ đồng (chiếm 89%). Thời gian tới, thành phố sẽ nỗ lực kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối các trục Bắc - Nam, Đông - Tây, đẩy mạnh phát triển logistics. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, kêu gọi thu hút đầu tư ngoài ngân sách để sớm hiện thực hóa chương trình phát triển đô thị.
VĂN KỲ