Tại cuộc họp nhằm thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC vào ngày 11/7 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại tỏ rõ quan điểm kiên quyết của tỉnh trong xử lý các vấn đề liên quan đến ĐTC, trong đó xem xét vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư khi để tỷ lệ giải ngân cuối năm không đạt yêu cầu.
Nguồn vốn lớn, tỷ lệ giải ngân thấp
Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025, thế nên nguồn vốn ĐTC tồn đọng khá lớn. Tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2025 đến thời điểm ngày 30/6/2025 là trên 12.000 tỷ đồng, cao hơn bình quân 3.100 tỷ đồng và gấp 1,35 lần so với kế hoạch vốn năm 2024. Đây là nguồn lực rất lớn, kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Phan Ngọc Hiển đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo phục vụ nhu cầu Nhân dân, cũng như tạo mỹ quan đô thị trung tâm tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tính đến 30/6, toàn tỉnh chỉ giải ngân được hơn 3.100 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch. Trong đó, 24 chủ đầu tư giải ngân trên mức trung bình; 17 đơn vị dưới mức trung bình, đặc biệt có 6 đơn vị chưa giải ngân.
Trong đó, Các đơn vị có nguồn đầu tư lớn, có thể kể đến Ban Quản lý công trình xây dựng, với tổng nguồn năm 2025 là trên 2.800 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được trên 411 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Bạc Liêu có tổng nguồn trên 1.400 tỷ đồng, giải ngân chỉ được trên 70 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bạc Liêu có tổng nguồn trên 1.000 tỷ đồng, giải ngân được trên 126 tỷ đồng…
Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào như: Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Bệnh viện Quân dân y Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Các đơn vị có giải ngân nhưng đạt rất thấp, như: Sở Khoa học và Công nghệ chỉ giải ngân được 26 triệu đồng; Ban Quản lý Khu Kinh tế giải ngân được 380 triệu đồng trong tổng nguồn 22 tỷ đồng; Sở NN&MT đạt tỷ lệ giải ngân 1,7% trong tổng nguồn vốn hơn 81 tỷ đồng.
"Điểm danh" những công trình chậm tiến độ
Một số dự án lớn, quan trọng của tỉnh tiến độ thực hiện còn chậm, như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh và một số dự án do vướng công tác giải phóng mặt bằng; Dự án kè bờ sông TP Bạc Liêu (cũ); Dự án kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ 1A; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Cái Cùng; Dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Đông cấp bách chống biến đổi khí hậu tỉnh Bạc Liêu (cũ),…
Ông Nguyễn Minh Nhẫn, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh (được Chủ tịch UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.200 giường bệnh) cho biết, kế hoạch vốn còn lại của dự án này trong năm nay trên 2.200 tỷ đồng, sẽ khó đảm bảo giải ngân theo kế hoạch. Hiện có 2 gói thầu lớn, trong đó gói thầu thiết bị y tế trên 900 tỷ đồng chưa mời thầu.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau 1.200 giường bệnh vốn đã chậm tiến độ, nay tiếp tục thi công ì ạch, không đúng cam kết với lãnh đạo tỉnh.
Đối với 3 dự án lớn mà Ban Quản lý dự án công trình giao thông Bạc Liêu đảm nhận và đang chậm tiến độ (cầu Hòa Bình 2 và 2 tuyến vành đai trong, vành đai ngoài TP Bạc Liêu trước đây, có nguồn đầu tư 941 tỷ đồng), đại diện chủ đầu tư cho biết, do đến nay chưa ban hành bảng giá đất tại khu vực nên dự án khó triển khai.
“Đã cam kết với người đứng đầu Đảng bộ và Chính quyền thì phải quyết tâm thực hiện, thấy được kết quả, đâu phải chỉ nói cho vui rồi bỏ qua”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại thẳng thắn nói về tiến độ của dự án vẫn còn rất chậm, cho rằng chủ đầu tư chưa có sự quyết tâm, chưa làm hết trách nhiệm.
UBND tỉnh ra "tối hậu thư" cho các chủ đầu tư
Với kết quả trên, 6 tháng cuối năm, Cà Mau buộc phải giải ngân trên 8.800 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác, phân công các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách theo dõi, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo từng dự án, công trình, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Tới đây, tỉnh sẽ tiến hành thành lập thêm Tổ công tác chuyên môn gồm lực lượng tại các ngành, ban quản lý dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.
Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau sau hợp nhất đã quyết nghị tốc độ tăng trưởng năm 2025 đạt 8,5%. Theo đó, giải ngân vốn ĐTC là một trong nhiều yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất trước Đảng bộ và Nhân dân, UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư”: Đến cuối năm, chủ đầu tư nào để tỷ lệ giải ngân không đạt từ mức 80% trở lên sẽ bị kỷ luật.
Trần Nguyên