Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười thực địa Dự án Quảng trường trung tâm Gia Nghĩa, phường Nam Gia Nghĩa, tỉnh Lâm Đồng
Còn nhiều “nút thắt”
Năm 2025, tổng nguồn vốn đầu tư công tỉnh Lâm Đồng là 18.700 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/6/2025, toàn tỉnh mới giải ngân 5.099 tỷ đồng, đạt 27,3% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều đơn vị đang có tỷ lệ giải ngân vốn thấp.
Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Đắk Nông (trước sắp xếp) mới chỉ đạt 12%. Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng (trước sắp xếp) giải ngân hơn 16%. Ban Quản lý Dự án đầu tư dân dụng và công nghiệp Bình Thuận (trước sắp xếp) đạt 34% kế hoạch. Chưa kể, trên toàn tỉnh hiện còn nhiều dự án chưa triển khai giải ngân.
Theo Sở Tài chính Lâm Đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân. Một trong những vướng mắc lớn nhất được xác định đó là giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án, công trình khi hoàn tất thủ tục, hồ sơ nhưng mặt bằng chưa có nên chưa thể triển khai.
Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2 đang vướng giải phóng mặt bằng
Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2 (khu vực Đắk Nông cũ) là một ví dụ. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 830 tỷ đồng. Quy mô chiều dài tuyến khoảng 25,77 km. Thời gian thực hiện giai đoạn 2022 - 2025. Dự án có 3 gói thầu, gồm: gói thầu số 16, gói thầu số 17, gói thầu số 18. Trong số này, gói thầu số 17, 18 đang vướng giải phóng mặt bằng. Trong đó, gói thầu số 17 có diện tích giải phóng mặt bằng là 30,76 ha của 76 hộ và 4 tổ chức. Gói thầu số 18 vướng 295 hộ, 4 tổ chức, với diện tích 40,89 ha.
Đến hết tháng 6/2025, dự án đã giải ngân 260 tỷ đồng/830 tỷ đồng vốn. Hiện nay, nguồn vốn năm 2024 còn lại của dự án 148 tỷ đồng đang đề xuất kéo dài thời gian giải ngân đến ngày 31/12/2025. Riêng kế hoạch vốn 2025 là 285 tỷ đồng chưa thực hiện giải ngân.
Tỷ lệ giải ngân vốn nhiều công trình còn đạt thấp
Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (trước sắp xếp) Hà Sỹ Sơn cho biết, khó khăn nhất trong triển khai các công trình trọng điểm là khâu giải phóng mặt bằng. “Có rất nhiều thời điểm, vốn phải đợi công trình vì chưa có mặt bằng thi công. Riêng dự án Đạo Nghĩa - Quảng Khê, đơn vị đang phối hợp với địa phương tổ chức vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để triển khai thi công”, ông Sơn cho biết.
Ngoài vướng mắc về giải phóng mặt bằng, lãnh đạo các Ban Quản lý dự án trên địa bàn Lâm Đồng cho rằng, hiện nay, nhiều nhân sự phải điều chỉnh công tác. Một số công việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ phần nào bị ảnh hưởng.
Mặt khác, do chưa cụ thể, rõ ràng về phạm vi, quyền hạn của các ban quản lý mới nên còn những bất cập. Quá trình giải quyết tồn đọng đối với một số dự án đang triển khai vẫn chậm. Ngoài ra, công tác quyết toán chi phí, vật liệu đất đắp… tại một số dự án công trình còn dở dang.
Nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ
Quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm
Đầu tư công là lĩnh vực quan trọng. Đầu tư công đạt cao sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác tăng tốc, nhất là tăng trưởng GRDP của Lâm Đồng năm 2025. Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, khối lượng công việc rất lớn. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%, Lâm Đồng cần quyết tâm rất lớn.
Tại cuộc họp sắp xếp, kiện toàn các ban quản lý dự án diễn ra ngày 10/7 mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định đây là giai đoạn còn rất nhiều khó khăn. Trong khi, mục tiêu là phải giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công năm 2025.
Hiện nay, do thay đổi địa bàn hoạt động, chưa có con dấu cụ thể, rõ ràng nên tính pháp lý chưa cao. Tuy nhiên, các ban quản lý dự án trên địa bàn phải xác định đây là công việc xuyên suốt, không ngừng nghỉ. “Áp lực công việc cao, nhưng đây cũng là một lợi thế. Bởi so với trước đây, hoạt động của các ban quản lý dự án nay thuận lợi hơn. Sở dĩ vậy là do chúng ta là một tập thể thống nhất cao, có kinh nghiệm, có nguồn lực và tập trung toàn bộ trí tuệ. Điều quan trọng bây giờ là hệ thống các ban phải thực sự quyết tâm, quyết liệt. Từ người đứng đầu đến cán bộ phải thực sự dám nghĩ, dám làm”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười chỉ đạo các nhà thầu thi công tại Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh
“Điều quan trọng bây giờ là hệ thống các ban phải thực sự quyết tâm, quyết liệt. Từ người đứng đầu đến cán bộ phải thực sự dám nghĩ, dám làm”
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười
Liên quan đến đầu tư công, trước đó, vào cuối tháng 5/2025, khi làm việc với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (Đắk Nông cũ), Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh trong đầu tư công không được bàn lùi. Thậm chí, có những khoảng trống không còn lùi được, mà bằng mọi giá tìm cách để thực hiện bằng được. “Các dự án, công trình phải bắt tay tăng tốc gấp từ 5 - 6 lần. Muốn làm được điều này, về phía chủ đầu tư, tích cực mời những nhà thầu, nhất là những nhà thầu của các dự án trọng điểm để làm việc và có cam kết với địa phương. Những nhà thầu còn vướng pháp lý, chủ đầu tư phải quản lý chặt nguồn tiền của mình, tránh tình trạng nể nang trong xử lý công việc”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu về giải phóng mặt bằng, tỉnh sẵn sàng cùng các địa phương đi xuống vận động trực tiếp từng hộ dân trong vùng dự án. Có mặt bằng, dự án mới được triển khai.
Khi dự án triển khai đi vào hoạt động, bà con Nhân dân sẽ được hưởng lợi rất lớn. Các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt ở địa phương. Trong đó, ưu tiên cán bộ tại chỗ có kinh nghiệm, có chuyên môn. Giữa các bộ phận kết hợp hài hòa để bảo đảm hiệu quả công tác vận động.
Nguyễn Lương