Thúc giải ngân đầu tư công, gỡ vướng từ cơ sở
Trong 6 tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh Hà Tĩnh liên tục đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% kế hoạch.
Đồng thời, ba tổ công tác được thành lập để trực tiếp kiểm tra, rà soát và làm việc với các đơn vị, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Các tổ công tác tập trung vào việc xác định rõ những tồn tại, bất cập, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Trong đó, yêu cầu cao nhất là không để gián đoạn dòng vốn, nhất là trong bối cảnh tái cấu trúc đơn vị hành chính và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Các nhiệm vụ còn dang dở liên quan đến đầu tư công như lập kế hoạch, thẩm định, giải phóng mặt bằng, thi công, nghiệm thu, thanh toán… phải được chuyển giao rõ ràng, tránh để xảy ra “khoảng trống” gây đình trệ dự án.
Chia sẻ về kế hoạch "thần tốc" bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Anh, thành viên Hội đồng bồi thường GPMB dự án cao tốc Bắc Nam huyện Can Lộc (cũ) cho biết: "Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương đối thoại, tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong quá trình di dời, tái định cư, đảm bảo quyền lợi của người dân, từ đó đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo điều kiện cho thi công".
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải đảm bảo tiến độ thi công, kịp thời điều chỉnh chủ trương đầu tư, kế hoạch trung hạn và hằng năm theo hướng dẫn.
Việc lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, tuân thủ tiến độ từng tháng, quý được coi là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân trong năm 2025.
Chủ động điều chuyển vốn, hoàn thiện pháp lý, siết giám sát
Hà Tĩnh cũng chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm sang các dự án giải ngân tốt, thiếu vốn. Tỉnh yêu cầu đẩy nhanh các thủ tục nghiệm thu, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công; tránh dồn thanh toán vào cuối năm, đảm bảo thanh toán kịp thời khối lượng hoàn thành theo quy định.
Công tác thanh quyết toán được khuyến khích thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, công khai minh bạch toàn bộ quy trình xử lý hồ sơ và phản hồi kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các dự án.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tới việc bồi thường, giải phóng mặt bằng – một trong những “nút thắt” thường gặp, yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ, ưu tiên các hạng mục hạ tầng kỹ thuật cần di dời trước để giảm chi phí phát sinh và tránh vướng mắc kéo dài.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, phân loại, đánh giá kỹ lưỡng các dự án chịu ảnh hưởng bởi việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính.
Một số dự án không còn phù hợp sẽ được tạm dừng triển khai nhằm phòng ngừa thất thoát, lãng phí, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công và tài sản công.
Với nền tảng những giải pháp quyết liệt, linh hoạt và sát với thực tiễn, Hà Tĩnh đang tạo bước đệm vững chắc để duy trì đà tăng trưởng kinh tế trên 8%, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo.
Dù vậy, tại Hà Tĩnh vẫn còn những dự án đầu tư công lớn đang chậm tiến độ. Chia sẻ với phóng viên, đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và quản lý đô thị cho biết: Các dự án chậm chủ yếu do vướng GPMB và thủ tục đầu tư như: Dự án trục chính Kỳ Anh - Vũng Áng (1.437 tỷ đồng), giải ngân mới 3% kế hoạch năm 2025 do mặt bằng chưa bàn giao đủ, nhiều hệ thống hạ tầng chưa di dời.
Dự án đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh (1.189 tỷ đồng), đạt khối lượng 70%, nhưng năm 2025 mới giải ngân được 1,4%. Dự án kéo dài đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, giải ngân đạt 14,4% kế hoạch năm do mới khởi công từ tháng 3/2025. Các tiểu dự án ODA tại Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà, nhiều gói thầu thi công dở dang, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục, sự khác biệt giữa quy định Việt Nam và nhà tài trợ khiến giải ngân thấp (từ 2%–19%)...
Thủy Linh