Tập trung hình thành vùng chuyên canh

Tập trung hình thành vùng chuyên canh
3 giờ trướcBài gốc
Những năm qua, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu được định hình với các mô hình liên kết, vùng sản xuất tập trung, quy mô. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp tỉnh hiện nay là hạn chế chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, phân tán; thay vào đó từng bước xây dựng được bản đồ quy hoạch vùng cây trồng, vật nuôi phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, giá trị cao.
Mang lại giá trị kinh tế cao
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, từng bước áp dụng sản xuất hiện đại, an toàn, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển các mô hình liên kết, vùng sản xuất tập trung, quy mô, mang lại thu nhập cho nông dân, nhất là ở các vùng trồng cây ăn quả như: Sầu riêng, xoài, bưởi. Năm 2024, doanh thu từ cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.300 tỷ đồng. Đây là một kỷ lục bởi trong số hơn 2.700ha sầu riêng, mới có 1.700ha cho thu hoạch. Một loại cây trồng khác cũng tăng trưởng cả về giá trị và năng suất đó là cây lúa. Trong đó, giá mua lúa tươi tại ruộng từ hơn 5.000 đồng/kg trong 3 năm qua đã tăng dần và đạt đến hơn 9.000 đồng/kg vào vụ lúa hè thu 2024. Đây cũng là năm nông dân được mùa, được giá, mỗi héc-ta lúa cho thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ. Tổng diện tích lúa đông xuân, hè thu và vụ mùa đạt gần 45.000ha, chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa, 2 huyện Diên Khánh và Vạn Ninh. Điểm nhấn đáng chú ý đó là hầu hết diện tích lúa đang được các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 8.000ha xoài, chủ yếu ở huyện Cam Lâm và gần 1.300ha bưởi, chủ yếu ở huyện Khánh Vĩnh.
Nông dân huyện Khánh Sơn bày bán nông sản tại chợ phiên ở thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn).
Tại các khu vực sản xuất cây trồng chưa hiệu quả, cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, nông dân đã chuyển đổi hàng nghìn héc-ta diện tích sản xuất sang trồng những cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, phổ biến là chuyển từ lúa 1 vụ sang trồng rau màu và vườn rẫy tạp sang trồng cây ăn quả. Năm 2024, nông dân cũng đã chuyển đổi gần 300ha lúa sang cây sen, khoai, rau đậu các loại và hơn 520ha cây hằng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về truy xuất nguồn gốc, hiện nay, toàn tỉnh có 41 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích hơn 4.436ha. Trong đó, cây xoài có 24 mã số xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường: Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU); sầu riêng có 15 mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; lúa có 2 mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường EU. Mã số vùng trồng nội địa có 40 mã số với tổng diện tích khoảng 153ha trên các loại cây trồng gồm: Xoài, dừa, dứa, bưởi, lúa, rau các loại và tỏi. Mã số cơ sở đóng gói có 3 mã số, trong đó có 2 mã số đóng gói xoài xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, EU và 1 mã số đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đối với chăn nuôi, với hơn 253.000 con heo, 74.000 con trâu, bò và 3,1 triệu con gia cầm, quy mô chăn nuôi đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và một phần tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Điều đáng ghi nhận là đến nay, đã có 80% đàn heo và 50% đàn gà được nuôi ở quy mô trang trại. Hoạt động chăn nuôi heo, gà chủ yếu tập trung ở 2 huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh và không ngừng chuyển dịch theo hướng nâng cao về số lượng, chất lượng con giống, sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có cơ sở chăn nuôi heo thịt đạt chuẩn VietGAP ở Ninh Hòa. Hầu hết các trang trại heo giống, gà giống quy mô lớn đều áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn, đảm bảo cung cấp con giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững
Những năm gần đây, giá thu mua nông sản tương đối ổn định, một số nông sản đã có hàm lượng chế biến sâu, như: Sầu riêng, xoài, bưởi… Ngoài bán tươi, các loại nông sản này còn được chế biến thông qua sấy thăng hoa, sấy lạnh, ép nước và được đóng gói trong bao bì đẹp mắt, đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các thị trường, kệ hàng trong siêu thị. Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm OCOP, chủ yếu là các mặt hàng nông - thủy sản từng bước khẳng định mức độ phát triển sản phẩm nông sản của tỉnh.
Nông dân huyện Khánh Vĩnh livestream bán bưởi da xanh tại vườn.
Tuy nhiên, quy hoạch vùng nuôi gia súc, gia cầm đang trong quá trình định hình lại. Trong đó, Cam Lâm là địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi nhưng được định hướng không còn là địa phương tập trung hoạt động chăn nuôi của tỉnh. Đối với chăn nuôi gia súc, chủ yếu là nuôi bò, ngoài trang trại hơn 1.000 con ở Khánh Vĩnh, phần lớn đàn bò đang được nuôi với quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, cần thêm nhiều trang trại quy mô lớn, với quy trình nuôi khép kín, chủ động nguồn thức ăn… Ngoài ra, hiện nay, toàn tỉnh vẫn chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, sở tập trung xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, gắn với xác định vùng cây trồng, chăn nuôi của tỉnh, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển cũng như nhu cầu tiêu dùng. Định hướng chính trong phát triển nông nghiệp Khánh Hòa giai đoạn hiện nay là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững; đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Hòa. Trong đó, việc thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp phải đảm bảo nâng cao hơn nữa thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, bảo vệ môi trường, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh.
HỒNG ĐĂNG
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202502/tap-trung-hinh-thanh-vung-chuyen-canh-49130ce/