Phương tiện vận tải thủy lưu thông thuận tiện qua Kênh Nghĩa Hưng, nối sông Đáy và sông Ninh Cơ.
Nhiều thuận lợi phát triển hạ tầng giao thông
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý chiến lược của Ninh Bình trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các chủ trương lớn về tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức lại đơn vị hành chính và tăng cường liên kết vùng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hiện đại, đồng bộ, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải và các vùng kinh tế là yêu cầu cấp thiết, mang tính đột phá. Thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh đã được quan tâm huy động các nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp.
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Chiến lược - Chính sách (Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng - Bộ Xây dựng) cho biết, về đường bộ, toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 15 tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài khoảng 700km, trong đó 74km đường bộ cao tốc (tuyến cao tốc Bắc - Nam). Các tuyến QL chính quan trọng là 1A, 21, 21B, 10, 38, 38B… Tỉnh lộ có khoảng 50 tuyến với tổng chiều dài khoảng 950km. Đường giao thông nông thôn và đường đô thị khoảng 7.000km. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn khoảng 100km với 11 ga, trong đó các ga chính là Phủ Lý, Nam Định và tuyến đường sắt chuyên dùng Phủ Lý - Kiện Khê - Bút Sơn dài 8,2km.
Về đường thủy nội địa, có 10 tuyến chính với tổng chiều dài khoảng 370km, trong đó có 2 tuyến là hành lang vận tải chính của toàn vùng Đồng bằng Sông Hồng là Hà Nội - Lạch Giang (qua các sông Hồng, Đào Nam Định, Ninh Cơ ra cửa Lạch Giang) và Quảng Ninh, Hải Phòng - Ninh Bình (qua các sông Luộc, Hồng, Đào, Ninh Cơ, Đáy, Vạc, Hoàng Long). Hạ tầng giao thông đường thủy bước đầu được quan tâm đầu tư tương xứng với tiềm năng. Công trình Kênh - Âu tàu Nghĩa Hưng nối sông Đáy, sông Ninh Cơ hoàn thành đưa vào hoạt động đã thúc đẩy hiệu quả khai thác giao thông thủy nội địa khu vực và kết nối với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển.
Cùng với đó, đã bổ sung quy hoạch cảng biển chuyên dùng mới (Xuân Thiện) đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất/nhập bằng đường biển quy mô từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn và bến cảng hàng lỏng Trường An vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cập nhật quy hoạch bến cảng hàng lỏng và bổ sung bến hàng lỏng Trường An vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng ưu tiên các dự án tăng cường kết nối vùng, liên vùng tỉnh và các tỉnh trong khu vực, tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông chiến lược. Có những dự án không chỉ phá vỡ thế “đường cụt” mà thậm chí đảo chiều, thay đổi vị trí chiến lược cho các địa phương từ nằm ở vị trí cuối tuyến thành điểm đầu của nút giao thông liên vùng tỉnh quan trọng. Các dự án giúp kết nối địa phương thuận lợi đến các vùng kinh tế động lực, các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế của vùng và hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia, từ đó tạo nên sức hấp dẫn đột phá về thu hút đầu tư.
Có thể kể đến loạt công trình trọng điểm, dự án quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược đã được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ như: Dự án mở rộng cao tốc phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh mở ra trục kết nối mới từ cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội đến cảng biển lớn phía Bắc… Các dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối; cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường vành đai 4, 5 qua QL.38 đến QL.21; tuyến đường bộ song hành đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với QL.21B đến nút giao với đường Lê Công Thanh - giai đoạn 3…
Đặc biệt, dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng - Tây Bắc - Duyên hải Bắc Trung Bộ dài 32,3km được HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV thông qua chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới gần 7.000 tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng trở thành động lực mới thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; mục tiêu kết nối các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) và các QL.1, 12B, 45, 10; đường ven biển qua các tỉnh đồng bằng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đường Hồ Chí Minh kết nối vùng Tây Bắc. Qua đó, công trình sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng kinh tế giữa đồng bằng và miền núi, mở rộng không gian phát triển cho Ninh Bình và các tỉnh khu vực lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển như: Các tuyến đường bộ huyết mạch chủ yếu tập trung theo hướng Bắc - Nam, thiếu các tuyến kết nối theo hướng Đông - Tây; các tuyến đường kết nối giữa các đô thị chính còn rời rạc, chưa rõ nét, chưa phát huy được tính liên thông của vận tải; tính kết nối và đồng bộ giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không) còn hạn chế, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với vận tải đường thủy nội địa và đường sắt…
Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình phát triển và nâng cao hiệu quả quản trị vùng ngày càng trở nên cấp bách, không gian phát triển thống nhất của tỉnh đã được hình thành; không chỉ phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương riêng rẽ mà còn bổ trợ và lan tỏa lẫn nhau, tạo thành một động lực phát triển mới mạnh mẽ và bền vững… Ngay sau khi hoàn thành sáp nhập và chính thức đi vào hoạt động từ 1/7/2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình mới đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành cần bắt tay ngay vào công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là đẩy nhanh quy hoạch, đầu tư tuyến đường kết nối 3 thành phố trước đây (Nam Định, Hoa Lư, Phủ Lý); tuyến đường kết nối Hoa Lư với cao tốc Cao Bồ; mở rộng tuyến đường Cao Bồ - Ninh Cơ; triển khai ngay dự án xây dựng sân bay quốc tế Ninh Bình; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghiệp, kết nối hạ tầng các khu công nghiệp với các tuyến đường quốc gia…, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình mới và thu hút các nhà đầu tư quốc tế; là nền tảng để hình thành các cực tăng trưởng và vùng động lực, tạo điều kiện tái cơ cấu không gian phát triển theo mô hình tích hợp và hiện đại.
Tỉnh Ninh Bình sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là địa phương có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không. Do vậy, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới tại tỉnh Ninh Bình và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không gửi Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch. Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp, hướng dẫn tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng 2 trục đường chính từ Di sản Tràng An, Bái Đính và xây dựng 9 cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long…
Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh từng bước đảm bảo yêu cầu mục tiêu kiến tạo không gian phát triển hiện đại và năng động, từng bước đưa Ninh Bình chuyển mình thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh - thông minh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mang bản sắc một trung tâm di sản của quốc gia; phấn đấu trước năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là đô thị văn minh, hiện đại, bền vững, có bản sắc văn hóa, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trong nước và quốc tế.
Bài, ảnh: Thành Trung