Tất bật 'mùa Tết', nhiều người dân làm giàu từ nghề truyền thống

Tất bật 'mùa Tết', nhiều người dân làm giàu từ nghề truyền thống
2 giờ trướcBài gốc
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các làng nghề có sản phẩm đặc trưng phục vụ Tết như: Hàng thủ công mỹ nghệ, làm hương, trồng hoa, cây cảnh, chế biến nông sản, đặc sản… trở nên nhộn nhịp và bận rộn nhất trong năm để kịp thời cung ứng những sản phẩm có chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường trên cả nước.
Tại tỉnh Hưng Yên, làng hương thôn Cao, xã Bảo Khê (Hưng Yên) với truyền thống hơn 300 năm làm nghề, được ví như cái nôi của nghề làm hương Việt Nam.
Nghề làm hương truyền thống đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định khoảng 100.000 - 200.000 đồng/ngày/người.
Theo lời kể của người dân làng nghề hương xạ thôn Cao, trước đây, nghề làm hương rất vất vả, phương thức thủ công, lăn bột nhang bằng tay nên chất lượng sản phẩm thấp, lại tốn nhiều thời gian. Sản phẩm được người dân làm lúc bấy giờ chủ yếu là nhang đậu tàn - nhang quăn. Quy trình làm sản phẩm trước đây phải mất 4 - 5 tháng từ khâu chọn nguyên liệu làm tăm hương, ngâm nguyên liệu, rồi phơi nắng và chẻ tăm hương bằng tay. Nay, nhờ ứng dụng các máy móc hiện đại nên các khâu sản xuất hương nhang của nhiều cơ sở đã trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.
Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống thôn Cao Nguyễn Như Khanh cho biết: hiệu quả sản xuất nhang bằng máy gấp 5 lần so với trước đây, đồng thời dễ làm, không còn vất vả như trước; nếu chăm chỉ, ngoài công việc gia đình, cũng kiếm thêm khoản thu nhập ổn định khoảng 100.000 - 200.000 đồng/ngày/người. Nghề làm nhang đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi.
Theo anh Nguyễn Như Thành, chủ cơ sở sản xuất hương thảo mộc Tâm Nguyên, từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất nhang, các quy trình sản xuất hương nhang của cơ sở nhà anh thuận lợi và năng suất hơn. Đơn cử, có máy sấy nhiệt đã giúp chất lượng hương được nâng cao, tránh việc ẩm mốc gây mùi gãy các sản phẩm hương. Quy trình sản xuất hiện đại và tự động hóa giúp tăng cường hiệu quả và đồng đều chất lượng sản phẩm, bảo đảm mỗi sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn mà cơ sở đặt ra. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa các thành phần tự nhiên và công nghệ sản xuất tiên tiến đã giúp các sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Được biết, đến nay, địa phương không ngừng mở rộng thị trường trong nước và từng bước mở rộng thâm nhập thị trường nước ngoài; tích cực quảng giới thiệu sản phẩm làng nghề qua các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử… để quảng bá cũng như bán sản phẩm.
Tại địa phương, hiện có trên 100 hộ làm nghề với trên 500 lao động thường xuyên; số hộ tham gia Hội làng nghề truyền thống đã lên 90 hộ, chiếm 80% số hộ tham gia sản xuất nhang hương tại làng nghề.
Người dân làng Chều (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) bên dây chuyền sản xuất bánh đa nem truyền thống.
Tương tự, tại Hà Nam, thời điểm này hàng trăm hộ dân làng Chều – làng nghề nổi tiếng chuyên sản xuất bánh đa nem (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) cũng bận rộn không kém để kịp đáp ứng các đơn hàng cho dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Chúc Tường làng Chều, cho hay những năm gần đây, khi công nghệ ngày càng phát triển, người dân làng nghề đã đúc kết kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật, từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất.
Với quy trình sản xuất khép kín, chất lượng cao, sản phẩm bánh đa nem của cơ sở đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng, do đó sản lượng bánh đa nem hàng năm đều tăng cao. Hiện sản lượng tiêu thụ của cơ sở đạt khoảng 50 tấn bánh đa nem/năm và đảm bảo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình.
Hiện, bánh đa nem làng Chều có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Sản phẩm là nguyên liệu để tạo nên món ăn truyền thống – món không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết, nên nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất là các dịp lễ, hội và Tết Nguyên Đán. Bánh đa nem của làng Chều, hiện cũng đã được xuất khẩu đi nhiều nước, như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp và các nước Đông Âu.
Nói thêm về làng nghề tại địa phương, ông Trần Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý, cho hay, tại xã Nguyên Lý hiện có 176 máy đang sản xuất trực tiếp bánh đa nem. Công việc này đã tạo công ăn việc làm thường xuyên và khá ổn định cho nhiều hộ gia đình, với mức thu nhập đều hàng tháng, tận dụng được cả những lao động phụ…
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//an-sinh/tat-bat-mua-tet-nhieu-nguoi-dan-lam-giau-tu-nghe-truyen-thong-1104136.html