Tàu vũ trụ Hera: Sứ mệnh bảo vệ Trái Đất khỏi hiểm họa tiểu hành tinh

Tàu vũ trụ Hera: Sứ mệnh bảo vệ Trái Đất khỏi hiểm họa tiểu hành tinh
8 giờ trướcBài gốc
Năm 2022, NASA đã thực hiện sứ mệnh đặc biệt, bằng cách cố ý đâm tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh Dimorphos để thay đổi quỹ đạo của nó.
Tàu Hera được mô tả đang quay quanh tiểu hành tinh Dimorphos với các vệ tinh CubeSat có kích thước bằng hộp giày. (Nguồn: ESA)
Tàu vũ trụ Hera của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ, lúc 10 giờ 52 phút sáng (giờ địa phương) ngày 7/10, nhờ tên lửa SpaceX Falcon 9.
Đây là lần phóng Falcon 9 đầu tiên kể từ sự cố xảy ra trong sứ mệnh SpaceX Crew-9 của NASA, ngày 29/9. Mặc dù sự cố này đang được Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) điều tra, Falcon 9 vẫn được cho phép hoạt động trở lại với nhiệm vụ của Hera.
Hành trình kéo dài 2 năm sẽ đưa tàu vũ trụ Hera đến tiểu hành tinh Dimorphos và tiểu hành tinh lớn hơn mang tên Didymos mà nó quay quanh, dự kiến vào cuối năm 2026. Cùng với hai vệ tinh CubeSat đồng hành, Hera sẽ thực hiện nghiên cứu chi tiết về tác động từ sứ mệnh DART, bao gồm việc đánh giá xem tiểu hành tinh Dimorphos đã thay đổi ra sao sau cú va chạm.
Trước đó, NASA đã triển khai sứ mệnh DART để kiểm tra khả năng chuyển hướng một tiểu hành tinh khỏi quỹ đạo của nó, nhằm bảo vệ Trái Đất khỏi nguy cơ va chạm. Kết quả cho thấy tàu DART đã thành công khi thay đổi quỹ đạo của Dimorphos sau cú đâm với vận tốc 13.645 dặm/giờ (6,1 km/giây).
Mặc dù hệ tiểu hành tinh Didymos và Dimorphos không đe dọa Trái Đất, chúng là những đối tượng hoàn hảo để thử nghiệm công nghệ chuyển hướng quỹ đạo, do kích thước của Dimorphos tương đồng với những tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất.
Các nhà thiên văn học đã theo dõi vụ va chạm từ năm 2022 và phát hiện rằng DART đã làm thay đổi chu kỳ quỹ đạo của Dimorphos khoảng 32-33 phút. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, chẳng hạn như liệu cú va chạm có tạo ra miệng hố hay thay đổi hoàn toàn cấu trúc của tiểu hành tinh này.
Hành trình của Hera
Khi đến hệ tiểu hành tinh đôi vào tháng 10/2026, Hera sẽ ở khoảng cách 121 triệu dặm (195 triệu km) từ Trái Đất. Tàu sẽ bay ngang qua sao Hỏa vào tháng 3/2025 để lấy đà và tiến gần hơn đến tiểu hành tinh. Trên đường đi, Hera sẽ nghiên cứu một trong hai mặt trăng của sao Hỏa và thu thập dữ liệu cho các sứ mệnh tương lai.
Được cung cấp năng lượng bởi các tấm pin mặt trời, tàu Hera có hệ thống đẩy hydrazine giúp đẩy tàu tới hệ thống Didymos-Dimorphos. (Nguồn: ESA)
Khi tiếp cận hệ thống Didymos-Dimorphos, Hera sẽ dành 6 tuần để nghiên cứu chi tiết cấu trúc, khối lượng và quỹ đạo của các tiểu hành tinh.
Hai vệ tinh CubeSat của Hera, Juventas và Milani, sẽ thực hiện các khảo sát độc lập nhằm cung cấp thêm thông tin về thành phần của tiểu hành tinh. CubeSat Juventas sẽ xem xét sâu bên dưới bề mặt Dimorphos, trong khi Milani sẽ lập bản đồ khoáng chất và bụi không gian.
Cuối cùng, Hera có thể thử hạ cánh lên bề mặt Didymos, kết thúc hoặc mở rộng sứ mệnh.
Khám phá bí ẩn mới
Khi Hera đến Dimorphos, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ thấy một cảnh quan rất khác so với những hình ảnh mà DART đã chụp trước vụ va chạm. Patrick Michel, giám đốc nghiên cứu của sứ mệnh Hera, cho biết kết quả từ sứ mệnh này có thể giúp con người hiểu rõ hơn về cấu trúc của Dimorphos, từ đó cải thiện công nghệ bảo vệ Trái đất khỏi các tiểu hành tinh nguy hiểm trong tương lai.
Dữ liệu từ Hera không chỉ giúp giải mã cấu trúc bên trong Dimorphos, mà còn cung cấp thông tin quan trọng về cách va chạm có thể ảnh hưởng đến các tiểu hành tinh tương tự. Michel cho rằng thành công của sứ mệnh DART là một bước tiến lớn, nhưng Hera sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về hiệu quả của thử nghiệm đó.
Xuân Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tau-vu-tru-hera-su-menh-bao-ve-trai-dat-khoi-hiem-hoa-tieu-hanh-tinh-169241008104742382.htm