Máy bay không người lái EH216-S của EHang được trưng bày tại Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, vào tháng 4. Ảnh: Xinhua.
Taxi bay sắp đi vào hoạt động tại Trung Quốc, có thể dùng cho giao thông công cộng trong 5 năm tới, theo một lãnh đạo cấp cao của EHang – hãng sản xuất drone chở khách hàng đầu Trung Quốc.
EHang Holdings – công ty niêm yết trên sàn Nasdaq, chuyên phát triển các mẫu máy bay cất hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) – hiện đang tiến hành bay thử tại Quảng Châu và Hợp Phì. Họ dự kiến triển khai dịch vụ taxi bay trong các hành lang bay được kiểm soát tại hai thành phố này trước cuối năm nay.
“Tôi tin rằng đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có các dịch vụ taxi bay theo tuyến cố định”, ông Conor Yang, Giám đốc tài chính của EHang, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/5. “Thậm chí, ở một số thành phố có hạ tầng đủ điều kiện như điểm cất và hạ cánh, dịch vụ taxi bay có thể ra mắt sớm hơn”.
Hồi tháng 3, EHang và đối tác liên doanh Hefei Heyi Aviation đã trở thành những công ty đầu tiên trên thế giới nhận chứng nhận của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho phép vận hành drone chở khách tự hành.
Hiện EHang đang thu thập và phân tích dữ liệu bay thử để chuẩn bị đưa vào vận hành tại các khu vực được chỉ định. Mẫu drone EH216-S của hãng – loại chở được 2 người, tốc độ tối đa 130 km/h, tầm bay 30 km – đã được cấp phép và hiện đang được rao bán trên Taobao với giá 2,39 triệu nhân dân tệ (tương đương 331.000 USD).
“Chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Đông, Đông Nam Á và cả Mỹ Latinh”, ông Yang chia sẻ. Tại Thái Lan, EHang đã bay thử thành công chuyến đầu tiên chở khách ở Bangkok vào tháng 11/2024 và đang thảo luận với giới chức hàng không để triển khai eVTOL tại các khu vực được cấp phép.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều bước đi nhằm đẩy mạnh phát triển “nền kinh tế độ cao thấp” – chỉ các hoạt động hàng không dưới độ cao 1.000 mét. Theo CAAC, ngành kinh tế này dự kiến đạt quy mô 1.500 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025 và 2.500 tỷ nhân dân tệ vào năm 2035. Liên minh Kinh tế Độ cao thấp Trung Quốc ước tính rằng Trung Quốc có thể sở hữu tới 100.000 eVTOL vào năm 2030.
Không chỉ EHang, nhiều tập đoàn ô tô lớn tại Trung Quốc như FAW, Geely và Xpeng – đối thủ của Tesla – cũng đã bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực taxi bay.
“Tổng thể thị trường này rất lớn, không thể chỉ do một công ty thống trị,” ông Yang nói. “Tuy vậy, chúng tôi tự tin sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu”.
Cuối năm ngoái, EHang đã bắt tay với Changan Automobile – tập đoàn ô tô nhà nước – để cùng nghiên cứu, sản xuất, vận hành và bán eVTOL. Hai bên cũng đang cân nhắc thành lập liên doanh để phát triển công nghệ.
Trong quý này, EHang sẽ ra mắt phiên bản nâng cấp của mẫu VT-30 mang tên VT-35 – loại eVTOL lai cất cánh – hạ cánh thẳng đứng, có tầm bay xa hơn và được thiết kế cho các tuyến bay liên đô thị, vượt vịnh hoặc vượt núi.
Dự kiến trong năm nay, công ty cũng sẽ giới thiệu ít nhất hai giải pháp pin mới, hợp tác cùng một nhà sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc (chưa tiết lộ tên). Năm 2023, EHang đã ký kết với Gotion để phát triển hệ thống pin dành riêng cho eVTOL, bao gồm cell pin, module, hệ thống lưu trữ và trạm sạc.
Sản lượng hàng năm của EHang cũng sẽ được nâng từ 300 lên 1.000 máy bay trước cuối năm nay.
Ngoài ra, ông Yang tiết lộ công ty đang cân nhắc niêm yết tại một địa điểm khác ngoài Mỹ, nhưng chưa chia sẻ chi tiết.
Trong khi đó, theo ông Stuart Pearson – Giám đốc toàn cầu mảng nghiên cứu cổ phiếu ô tô tại BNP Paribas – việc triển khai eVTOL để chở khách thương mại có thể phải đợi đến những năm 2040. Trong ngắn hạn, ông cho rằng công nghệ này sẽ được ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực logistics và giao hàng.
“Tôi cho rằng đây vẫn là một cú ‘đặt cược vào tương lai’”, ông nói trong một cuộc họp báo tại Hong Kong hôm đầu tuần này. “Nhưng như chúng ta đã thấy trong thập kỷ qua, có những công nghệ tiến nhanh hơn chúng ta tưởng. AI chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực di chuyển hàng không này”.
Huyền Chi