Hiện nay, số người mắc hội chứng này đang tăng lên do nhu cầu công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay ngày càng nhiều.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng bệnh lý phổ biến ở bàn tay là kết quả thần kinh giữa ở ống cổ tay bị chèn ép. Lúc này, các chức năng của dây thần kinh giữa bị hạn chế, biểu hiện ra các triệu chứng của bệnh: tê, đau cổ tay dai dẳng. Nếu tiếp tục diễn ra trong thời gian dài và không được can thiệp đúng cách, chính các triệu chứng này sẽ bộc lộ nặng nề hơn, gây ra biến chứng và để lại di chứng về sau. Vì vậy, việc nhận biết sớm, điều trị sớm là rất quan trọng để cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng cho người bệnh.
Người mắc hội chứng ống cổ tay đang tăng lên do nhu cầu công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay ngày càng nhiều.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay
Các nghiên cứu cho thấy hội chứng ống cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, đặc biệt phụ nữ và người già có tỷ lệ cao mắc bệnh lý này. Khoảng 70% các bệnh nhân mắc bệnh không tìm được nguyên nhân rõ ràng gây hội chứng ống cổ tay.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh hội chứng ống cổ tay cao gấp ba lần so với nam giới, do nhìn chung họ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn.
Tính chất công việc dễ gây mắc hội chứng ống cổ tay. Nguyên do là phải cần sự tỉ mỉ, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài (văn phòng, lái xe, cắt tóc, thợ thủ công…) làm tổn thương các gân ở cổ tay, gây sưng viêm và gây áp lực lên dây thần kinh.
Các loại u có thể gây ra hội chứng ống cổ tay. Do u tế bào khổng lồ xương và bao gân, u máu, nang hoạt dịch, u hạt tophi… gây chèn ép chỗ ống cổ tay và dẫn đến chèn ép thần kinh giữa.
Trong thai kỳ, sự ứ đọng dịch làm tăng lượng dịch trong ống cổ tay, dẫn đến tăng áp lực kẽ trong ống cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa.
Do sự lắng đọng tinh thể urat trong gân gấp gây phì đại gân, hoặc tình trạng viêm phì đại ở bao gân gấp do gút cũng gây ra chèn ép thần kinh giữa gây ra hội chứng ống cổ tay.
Các bệnh lý kèm theo cũng gây hội chứng ống cổ tay bao gồm béo phì; tiểu đường; viêm khớp dạng thấp (gây ra viêm bao gân/màng hoạt dịch dẫn đến phù nề và ứ dịch trong bao gân gấp); suy thận và rối loạn chức năng tuyến giáp (do sự tích tụ Myxedemateous mô trong dây chằng cổ tay ngang).
Sự tổn thương cổ tay: Do viêm khớp, viêm dây chằng hay các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương gây hội chứng ống cổ tay.
Triệu chứng hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có thể gây ra các triệu chứng sau:
Tê, ngứa ran và đau chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Tình trạng nặng hơn vào ban đêm.
Cảm giác "kim châm" ở tay.
Cảm giác sưng ở ngón tay.
Cảm giác đau và ngứa ran có thể lan lên phần cẳng tay và vai.
Tay yếu, khó cầm nắm đồ vật, cài cúc áo, sử dụng điện thoại…
Điều trị và phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay gồm:
Dùng nẹp cổ tay.
Điều trị bảo tồn bằng các thuốc kháng viêm NSAIDs hay tiêm corticoide tại chỗ.
Phẫu thuật: Giảm áp lực trong ống cổ tay bằng cách cắt dây chằng ngang cổ tay. Ðiều chỉnh các khối can xương hay xương trật để ống cổ tay không bị hẹp và không gây đè ép vào dây thần kinh giữa.
Tập vật lý trị liệu cho người bị hội chứng ống cổ tay giai đoạn nhẹ. Mục tiêu là tăng tuần hoàn của bàn tay và cổ tay, làm giảm phù và kích thích các mô mềm khỏe hơn (các cơ, các dây chằng và các gân). Nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh lý hội chứng ống cổ tay.
Tóm lại: Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý thần kinh ngoại biên xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay gây ra các triệu chứng bao gồm: đau, dị cảm, tê buốt bàn tay theo chi phối của thần kinh giữa chủ yếu là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa hoặc nặng hơn là tê bàn tay, làm yếu các ngón tay và teo cơ bàn tay.
Đây là bệnh lý dễ gặp ở dân văn phòng khi phải làm việc với máy tính thường xuyên, người viết lách nhiều hoặc người hay duy trì làm việc bằng tay ở một tư thế cố định trong thời gian dài. Có đến 3% người trưởng thành mắc bệnh lý này, nhất là ở phụ nữ trên 35 tuổi. Do vậy, nếu phát hiện những dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay, bệnh nhân nên đến khám và điều trị sớm để dự phòng biến chứng.
BSCK2 Nguyễn Thị Thu