Đến sáng 8/2, phiên bản tiếng Việt của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu vẫn chưa hoạt động trở lại.
Được biết, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu Temu vẫn đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin cấp phép theo quy định của Nghị định số 52, sửa đổi bổ sung Nghị định số 85 về TMĐT.
Sau khi khóa bản tiếng Việt, Temu phát đi thông báo bằng tiếng Anh về việc sàn TMĐT này đang tiến hành các thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam, song cũng không nêu dự kiến thời điểm hoàn tất thủ tục.
Báo Chính phủ ngày 7/2 dẫn lời ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, chưa rõ thời điểm nào sàn TMĐT Temu có thể hoạt động trở lại tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có thông báo, đến hết ngày 30/11/2024, nếu chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tại Việt Nam thì sàn Temu phải dừng hoạt động. Vì thế, quá thời hạn 30/11/2024, Bộ đã yêu cầu Temu tạm dừng hoạt động cho đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký.
Temu đã phải tạm dừng hoạt động phiên bản tiếng Việt để chờ xin cấp phép. Ảnh: Du Lam
Cũng theo ông Ninh, do phía hải quan quy định không thông quan hàng cho những sàn TMĐT chưa đăng ký với Bộ Công Thương, nên hàng hóa của sàn Temu không được vào Việt Nam. Vì vậy, rất nhiều đơn hàng sau thời gian dài vẫn chưa được giao tới người mua.
Nhiều người mua hàng trên sàn TMĐT Temu lo lắng trước nguy cơ mất tiền, nhất là trước khi tạm dừng hoạt động, Temu đã nâng giá trị đơn hàng tối thiểu lên 887.000 đồng.
Cùng với việc buộc Temu dừng hoạt động, Bộ Công Thương cũng yêu cầu sàn TMĐT Temu phải thông báo xin lỗi và thực hiện chính sách hoàn tiền cho khách hàng.
Những người đã đặt mua mà vẫn chưa nhận hàng được sàn Temu hoàn lại 2 khoản tiền: hoàn trả đủ 100% giá trị đơn hàng thông qua tài khoản ngân hàng của người mua; bồi thường vì đơn hàng không giao như kế hoạch, trả vào tài khoản Temu của người mua với tỷ lệ phần trăm quy định, tương ứng với giá trị đơn hàng (khoản tiền hoàn về tài khoản Temu không thể rút ra được, chỉ tương đương với một mã giảm giá mua hàng sau khi sàn hoạt động trở lại).
Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho đến thời điểm này, nếu vẫn còn một số trường hợp khách hàng chưa nhận được tiền hoàn trả, đó có thể là do sai sót trong quá trình thao tác đặt và giao hàng trên sàn TMĐT Temu.
Bộ Công Thương đã từng cảnh báo người tiêu dùng về khá nhiều rủi ro khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký.
Cụ thể, các nền tảng này không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, người tiêu dùng khó yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm. Khi xảy ra tranh chấp, quá trình giải quyết khiếu nại sẽ kéo dài và rất phức tạp.
Người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặt khác, khi mua hàng, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.
Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.
Ra mắt năm 2022, Temu - nền tảng TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc nhanh chóng xâm chiếm các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam… với chiêu thức hàng giá rẻ và nhiều ưu đãi “khủng” cho người mua hàng. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của nhiều mặt hàng bán trên Temu bị đánh giá thấp.
Bình Minh