Tên lửa Iskander-M của Nga 'xé toạc' phòng không Ukraine: S-300 và Patriot bị hủy diệt hàng loạt

Tên lửa Iskander-M của Nga 'xé toạc' phòng không Ukraine: S-300 và Patriot bị hủy diệt hàng loạt
6 giờ trướcBài gốc
Hệ thống phòng không S-300P của Ukraine và một vụ phóng tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: MW.
Đoạn video từ máy bay không người lái quay tại khu vực Odessa, gần làng Hvardiiske, đã xác nhận việc phá hủy những hệ thống phòng không S-300PS còn lại của Không quân Ukraine trong một cuộc tấn công chính xác do hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga thực hiện.
S-300PS từng được coi là một trong những hệ thống phòng không hàng đầu thế giới vào thời điểm Liên Xô tan rã năm 1991, mặc dù khả năng của nó đã bị vượt mặt bởi phiên bản mang tính cách mạng S-300PMU – bắt đầu được Nga đưa vào trang bị từ năm 1992.
Vai trò của Ukraine khi đó là tuyến phòng thủ thứ tư trong hệ thống phòng thủ của Khối Hiệp ước Warsaw trước một cuộc tấn công giả định từ NATO, khiến Liên Xô bố trí trên lãnh thổ nước này số lượng lớn khí tài quân sự tiên tiến, đặc biệt là một kho vũ khí S-300 và các hệ thống phòng không khác quy mô lớn.
Nhiều biến thể của S-300, cùng với hệ thống tầm trung BuK-M1, đã tạo thành mạng lưới tên lửa phòng không được đánh giá là mạnh nhất châu Âu trước khi xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Vị trí các bệ phóng tên lửa thuộc hệ thống S-300PS. Ảnh: MW.
Dù rất đáng gờm, mạng lưới phòng không của Ukraine gặp phải hạn chế nghiêm trọng: không thể thay thế các bộ phận bị phá hủy trong chiến đấu hoặc bổ sung tên lửa đã sử dụng trong tác chiến. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sản xuất các hệ thống này chủ yếu tập trung tại Nga thời Liên Xô. Ngay từ tháng 11/2022, Không quân Ukraine đã cảnh báo rằng việc không thể tiếp tục mua thêm tên lửa cho S-300 và BuK sẽ khiến họ không thể duy trì hoạt động hiệu quả của các hệ thống này.
Các tài liệu mật bị rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 4/2023 cho thấy Lầu Năm Góc cũng ngày càng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong mạng lưới tên lửa phòng không của Ukraine. Trong bối cảnh đó, các quốc gia NATO từng sở hữu S-300 (được mua từ Liên Xô) đã chuyển giao toàn bộ hệ thống này cho Ukraine. Khi nguồn cung cạn kiệt, Mỹ và một số đồng minh Tây Âu như Đức, Hà Lan đã tiến hành chuyển giao hàng loạt hệ thống phòng không MIM-104 Patriot – phiên bản tương đương với S-300 của Mỹ.
Xe phóng của hệ thống phòng không S-300V1 của Ukraine ở khu vực Donbass. Ảnh: MW.
Tuy nhiên, không chỉ các hệ thống S-300, mà cả các tổ hợp Patriot cũng đã trở thành mục tiêu tấn công liên tục bởi các tên lửa Iskander-M của Nga – vốn được thiết kế để xuyên phá các mạng lưới phòng không hiện đại.
Tỷ lệ hao mòn chiến đấu của các tổ hợp Patriot tại Ukraine được cho là rất cao. Các đoạn video đã xác nhận nhiều vụ tấn công phá hủy hoàn toàn các bệ phóng, radar và xe chỉ huy của Patriot, trong đó vụ phá hủy đầu tiên được ghi nhận ngày 23/2/2024. Tháng sau đó, một hệ thống khác bị phá hủy gần khu vực Sergeevka.
Vào tháng 7/2024, thêm hai tổ hợp Patriot bị phá hủy tại khu vực Odessa. Đến ngày 11/8, ba tổ hợp khác và một radar AN/MPQ-65 tiếp tục bị đánh trúng trong các đợt tấn công của Iskander-M.
Phát biểu về khả năng của Iskander-M, người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Igor Ignat, cho biết ngày 26/5: “Các tên lửa Iskander thực hiện các động tác né tránh trong giai đoạn cuối hành trình, khiến hệ thống Patriot không thể tính toán chính xác quỹ đạo đánh chặn…Ngoài ra, Iskander còn có thể thả mồi nhử đánh lừa tên lửa Patriot”.
Tên lửa Iskander-M cũng đã được sử dụng cho các cuộc tấn công chính xác nhằm vào nhiều mục tiêu có giá trị cao khác, bao gồm các cụm binh lực, máy bay chiến đấu và cả nhân sự phương Tây đang hoạt động tại Ukraine. Những cuộc tấn công này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Bộ Quốc phòng Nga nhằm loại bỏ các chuyên gia, nhà thầu quân sự và binh sĩ NATO đang hiện diện bí mật tại chiến trường Ukraine.
Huyền Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/ten-lua-iskander-m-cua-nga-xe-toac-phong-khong-ukraine-s-300-va-patriot-bi-huy-diet-hang-loat-post187694.html