Một trong những bước ngoặt đáng chú ý gần đây là quyết định của quân đội Mỹ tích hợp tên lửa siêu vượt âm Blackbeard vào hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS. Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại không ngừng biến đổi, việc nâng cấp các hệ thống vũ khí tầm xa trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mọi cường quốc quân sự.
Quyết định này của quân đội Mỹ được xem là cú hích chiến lược, giúp HIMARS chuyển mình từ một hệ thống hiệu quả trên chiến trường Ukraine trở thành vũ khí tấn công tầm xa mang tính cách mạng.
Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) của trong một cuộc tập trận bắn đạn thật tại Estonia. Ảnh: National Security Journal
Ukraine – bệ phóng danh tiếng cho HIMARS
M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực cơ động cao do Mỹ phát triển, có khả năng phóng nhiều loại tên lửa dẫn đường với độ chính xác cao. HIMARS nổi bật bởi tính linh hoạt, khả năng triển khai nhanh, cùng với chiến thuật “bắn và rút” giúp hệ thống này tránh bị phản công ngay sau khi khai hỏa.
Tại Ukraine, HIMARS đã thể hiện vai trò quyết định trong nhiều chiến dịch, từ phá hủy cầu Antonivka tại Kherson đến tiêu diệt các kho đạn, sở chỉ huy và căn cứ tiếp viện của Nga. Chính nhờ hiệu quả này, HIMARS đã trở thành vũ khí được săn đón bởi nhiều quốc gia NATO, đặc biệt là các nước Baltic và Ba Lan – những quốc gia đang đối mặt với sức ép địa chính trị từ Nga.
Tên lửa Blackbeard: Bước tiến vượt bậc về công nghệ
Được công ty Castelion phát triển, tên lửa Blackbeard là loại tên lửa siêu vượt âm có tốc độ trên Mach 5 (hơn 6.000 km/h). Không giống với các tên lửa hành trình thông thường, Blackbeard có khả năng cơ động linh hoạt trong khí quyển, giúp né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Điều này khiến nó trở thành vũ khí lý tưởng để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố, di động hoặc được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tên lửa Blackbeard GL dự kiến sẽ được tích hợp trực tiếp lên hệ thống phóng hiện có của HIMARS mà không cần thay đổi thiết kế nền tảng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng cường sức mạnh tấn công tầm xa cho lực lượng mặt đất mà không cần đầu tư vào các hệ thống mới phức tạp.
Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, quá trình phát triển tên lửa Blackbeard sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là phát triển nguyên mẫu để thử nghiệm chứng minh khái niệm vào đầu năm 2026. Nếu thành công, Castelion sẽ phải bàn giao ít nhất 10 mẫu tên lửa Blackbeard GL sẵn sàng cho thử nghiệm phóng thực tế từ HIMARS vào cuối năm tài khóa 2026.
Dự kiến năm 2027 sẽ diễn ra buổi bắn thử đạn thật, trước khi tên lửa này được đưa vào triển khai trên chiến trường trong khoảng năm 2028. So với các vũ khí siêu vượt âm khác như LRHW – vốn có tầm bắn trên 2.700 km, Blackbeard có tầm bắn ngắn hơn nhưng lại linh hoạt hơn và chi phí thấp hơn rất nhiều.
HIMARS và Blackbeard: Cặp đôi hoàn hảo
Việc kết hợp HIMARS với tên lửa Blackbeard mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể cho quân đội Mỹ và các đồng minh. Nếu như trước đây HIMARS có thể bắn các loại đạn tiêu chuẩn với tầm bắn 80km hoặc tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm 300 km, thì với Blackbeard, khả năng tấn công sẽ được mở rộng hơn nữa cả về khoảng cách và mục tiêu.
Blackbeard GL được thiết kế để tấn công mục tiêu kiên cố và di động, bao gồm cả hệ thống radar, trung tâm chỉ huy, kho đạn hoặc thậm chí là xe bọc thép đang cơ động. Tốc độ Mach 5 giúp rút ngắn thời gian phản ứng và khiến đối phương gần như không kịp đối phó. Đồng thời, HIMARS vẫn giữ được ưu điểm "bắn rồi rút", đảm bảo tính sống còn trên chiến trường.
Sự xuất hiện của HIMARS nâng cấp sẽ tạo ra sức ép lớn lên đối thủ tiềm tàng như Nga, đồng thời củng cố thế phòng thủ của NATO. Các nước như Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan đã đặt hàng thêm HIMARS và coi đây là thông điệp răn đe đối với Moscow.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, ông Hanno Pevkur, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thể hiện rằng Estonia đã sẵn sàng cho mọi kịch bản xấu nhất”. Với Blackbeard, những hệ thống HIMARS tại Đông Âu sẽ không còn chỉ là vũ khí phản ứng, mà sẽ trở thành công cụ tấn công phủ đầu đầy sức nặng trong chiến lược quân sự của NATO.
Chiến tranh hiện đại: Cuộc đua của vũ khí siêu thanh
Trong cuộc cạnh tranh công nghệ quân sự toàn cầu, vũ khí siêu thanh được xem là biểu tượng mới của ưu thế chiến lược. Nga đã có tên lửa Kinzhal, Zircon và mới đây nhất là tên lửa siêu thanh Oreshnik có tốc độc Mach 10; Trung Quốc có DF-17, còn Mỹ đang từng bước theo đuổi thế cân bằng với nhiều dự án song song như LRHW và Blackbeard GL.
Điểm khác biệt nằm ở chỗ Blackbeard nhắm tới chiến trường chiến thuật, không phải chỉ phục vụ răn đe hạt nhân. Đây là bước đi thông minh giúp Mỹ vừa duy trì ưu thế công nghệ, vừa tạo ra mạng lưới hỏa lực có thể triển khai linh hoạt trên toàn cầu.
Việc tích hợp tên lửa Blackbeard siêu vượt âm vào HIMARS không chỉ là một nâng cấp kỹ thuật, mà còn là tuyên ngôn chiến lược của Mỹ và đồng minh. Từ một hệ thống pháo phản lực cơ động vốn đã chứng minh hiệu quả tại Ukraine, HIMARS nay được tiếp sức bằng công nghệ đột phá để vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Blackbeard không thay thế các vũ khí chiến lược tầm xa như LRHW, nhưng nó tạo nên một lớp phòng thủ - tấn công mới ở tầm trung, đủ sức làm thay đổi cán cân lực lượng tại bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới. Vũ khí từng khiến Nga phải loay hoay với cầu phao giờ đây có thể trở thành đòn đánh phủ đầu trên mọi chiến trường. Trong thế giới chiến tranh hiện đại, nơi thời gian và tốc độ quyết định sự sống còn, HIMARS với Blackbeard chính là câu trả lời – nhanh, mạnh và không thể ngăn chặn.
Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: National Sercurity Journal