Tesla và thách thức trong chiến lược năng lượng của Australia

Tesla và thách thức trong chiến lược năng lượng của Australia
7 giờ trướcBài gốc
Hàng triệu ngôi nhà ở Australia sẽ sử dụng công nghệ thông minh, sạch trong những thập kỷ tới. Ảnh abc.net.au
Đây không chỉ là câu chuyện về công nghệ, mà còn phản ánh những khó khăn trong việc cân bằng lợi ích công đồng và các mục tiêu thương mại trong hành trình điện khí hóa nền kinh tế Australia.
Tesla với dòng pin gia dụng Powerwall, đã được chính phủ đưa vào danh sách thiết bị đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ Chương trình giảm nhu cầu cao điểm. Chính quyền kỳ vọng chương trình này với khoản hoàn tiền lên đến 2.400 USD cho mỗi thiết bị, sẽ giảm áp lực hóa đơn điện và tăng cường ổn định lưới điện. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng chỉ ra rằng sản phẩm của Tesla chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Một trong những vấn đề nổi cộm là khả năng tương thích của pin Powerwall với các thiết bị khác. Hàng triệu hộ gia đình Australia đã lắp đặt tấm pin mặt trời, giải pháp lưu trữ năng lượng cần phải đảm bảo khả năng hoạt động đồng bộ trong hệ thống quản lý năng lượng gia đình. Tuy nhiên, sản phẩm của Tesla bị giới hạn trong hệ sinh thái độc quyền của hãng, gây cản trở lớn đến khả năng phối hợp với các thiết bị thông minh khác. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng của người tiêu dùng, mà còn tạo ra nguy cơ xung đột trong hệ thống, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của lưới điện.
Thách thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh các mục tiêu quốc gia của Australia về giảm phát thải và thúc đẩy năng lượng tái tạo. Theo dự báo từ Cơ quan Điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO), công suất của các nguồn năng lượng tiêu dùng phối hợp, bao gồm pin gia dụng dự kiến sẽ tăng từ 200 megawatt lên đến 37 gigawatt vào năm 2050. Tuy nhiên, nếu không có các tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo tính tương thích giữa các thiết bị, Australia có nguy cơ phải mất hàng tỷ đô la để cải thiện hạ tầng điện lưới, dẫn đến gia tăng gánh nặng chi phí cho người dân.
Không chỉ đối mặt với các vấn đề kỹ thuật, chiến lược kinh doanh của Tesla cũng trở thành tâm điểm chỉ trích. Hãng này bị lên án vì áp dụng mô hình "khu vườn có tường bao", hạn chế khả năng tương tác của các sản phẩm với thiết bị bên ngoài nhằm duy trì sự phụ thuộc của người tiêu dùng vào hệ sinh thái độc quyền của mình. Mặc dù chiến lược này mang lại lợi ích thương mại tối đa cho Tesla, nhưng lại mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, đặc biệt khi các sản phẩm này được hỗ trợ bằng nguồn thuế từ người dân Australia.
Trước tình hình này, các chuyên gia đã kêu gọi chính phủ Australia áp dụng những tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc về khả năng tương thích, tương tự như các quy định được áp dụng tại một số bang của Mỹ. Những tiêu chuẩn này sẽ yêu cầu Tesla và các nhà cung cấp khác phải đảm bảo sản phẩm không chỉ phục vụ mục tiêu thương mại mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người tiêu dùng và hệ thống năng lượng.
Bên cạnh đó, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các chương trình trợ cấp. Các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn tương thích hoặc không mang lại hiệu quả thiết thực sẽ bị loại khỏi danh sách nhận hỗ trợ, nhằm đảm bảo nguồn tài trợ công được sử dụng một cách hợp lý và minh bạch. Đồng thời, việc này cũng tạo áp lực để các công ty không ngừng cải tiến công nghệ và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Câu chuyện của Tesla không chỉ dừng lại ở vấn đề sản phẩm hay chiến lược kinh doanh, mà còn là lời cảnh báo về những thách thức, sự phức tạp trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Australia và toàn cầu. Để trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch, Australia cần xây dựng các chính sách minh bạch, mạnh mẽ và hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, cộng đồng và doanh nghiệp. Đây không chỉ là một bài toán khó mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm sự phát triển bền vững và lâu dài.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo abc.net.au)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tesla-va-thach-thuc-trong-chien-luoc-nang-luong-cua-australia-20241125095748446.htm