Tết ông Công ông Táo: giá hàng hóa không tăng vẫn ế ẩm

Tết ông Công ông Táo: giá hàng hóa không tăng vẫn ế ẩm
5 giờ trướcBài gốc
Hàng hóa dồi dào, giá không tăng
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại chợ truyền thống Hà Nội như Hàng Bè, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình)…, tiểu thương đã bày bán những mặt hàng cúng Tết ông Công ông Táo với mẫu mã đa dạng, đặc biệt năm nay giá rau xanh, hoa tươi không tăng mà còn giảm từ 10-30% so với năm trước. Cụ thể, giá su hào 3.000 - 8.000 đồng/củ, súp lơ xanh 8.000 - 12.000 đồng/chiếc, cà rốt 8.000 - 10.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000 đồng/kg, ớt chuông 38.000 đồng/kg, dưa chuột 15.000 đồng/kg…
Đối với mặt hàng thủy hải sản tươi sống, giá bán gần như không có biến động so với ngày thường. Hiện tôm sú dao động 250.000-400.000 đồng/kg, mực ống từ 120.000-250.000 đồng/kg, cá tầm 330.000 đồng/kg… Giá thịt lợn hiện ở mức từ 130.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức từ 220.000 - 270.000 đồng/kg, giò lợn 220.000 đồng/kg, chả ram tôm 160.000 đồng/kg... Giá gà trống từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, giá gà mái ở mức 90.000-100.000 đồng/kg.
Bán cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo tại chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai). Ảnh: Hoài Nam
Tương tự, trong ngày này, hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách nhưng giá bán không tăng so với ngày thường. Hiện hoa thược dược, lay ơn từ 70.000- 90.000 đồng/10 cành; hoa hồng, cúc kim cương 50.000 đồng/10 cành; cúc mai 30.000-35.000 đồng/bó, ly kép 350.000 đồng/10 cành…
Lý giải nguyên nhân khiến rau xanh không tăng giá mà có chiều hướng giảm, chị Nguyễn Thị Huệ kinh doanh rau xanh tại chợ Kim Liên và các tiểu thương có chung ý kiến, mặc dù cơn bão siêu bão Yagi khiến nhiều tỉnh thành lụt lội nhưng những tháng cuối năm thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho rau xanh phát triển, nguồn cung dồi dào, nên không thể tăng giá.
Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo thì mặt hàng vàng mã là đồ không thể thiếu nhưng giá bán không thay đổi so với năm ngoái, dao động trong khoảng 35.000 - 50.000 đồng/bộ nhỏ, 100.000 - 150.000 đồng/bộ to. Những bộ được làm chi tiết hoa văn cầu kỳ hơn, giấy bóng đẹp hơn có giá 200.000 - 250.000 đồng/bộ. Tương tự, chị Kim Anh, kinh doanh thủy sản tại chợ Thành Công, hiện giá cá chép đỏ phong sinh giá bán không tăng, hiện được bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/bộ 3 con.
Người tiêu dùng mua đồ vàng mã cúng ông Công ông Táo trên phố Hàng Mã. Ảnh: Hoài Nam
Theo thông lệ, vào ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ mặn, hương hoa dâng cúng. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực đã cung cấp các dịch vụ lễ cúng Táo quân với giá bình ổn. Cụ thể gà ngậm hoa hồng có giá 220.000 - 250.000 đồng/kg, canh măng, canh bóng nấu sẵn có giá 150.000 đồng/bát, chim quay 100.000 đồng/con, nem rán sẵn 100.000 đồng/10 cái, xôi gấc 40.000 đồng/đĩa, xôi vò 50.000 đồng/đĩa.
Sức mua giảm sút
Thực tế cho thấy, mặc dù giá bán hàng hóa phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo bình ổn những sức mua của người tiêu dùng không tăng như mong muốn.
Nhiều tiểu thương kinh doanh đồ vàng mã trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) phản ánh, sức mua đồ vàng mã cúng ông Công, ông Táo năm nay chỉ bằng 50% so với mọi năm. Nguyên nhân có thể là bới kinh tế khó khăn người dân thắt chặt chi tiêu nên họ mua đơn giản ngay tại chợ"-anh Hùng kinh doanh đồ vàng mã ở số 2 phố Hàng Mã chia sẻ.
Tương tự với mặt hàng cá chép cũng rơi vào tình trạng tương tự, anh Nguyễn Văn Hà, bán cá ở chợ Nam Đồng (Đống Đa) cho biết, đã cận kề tết ông Công, ông Táo nhưng sức mua chậm hơn so với dịp lễ ông Công ông Táo năm trước. “Tôi đã dự trù giảm 50% lượng hàng mà vẫn ế ẩm, cả buổi sáng chỉ bán được hơn chục bộ cá chép, hy vọng sáng 23 tháng Chạp, sức mua sẽ tăng lên.”-anh Hà hy vọng.
Không chỉ cá chép mới lâm vào cảnh ế ẩm mà mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng không khả quan trong quá trình tiêu thụ, chị Hoa, tiểu thương bán gà tại khu chợ này cho biết hàng hóa ế hơn so với năm ngoái. "Năm trước khách phải đứng xếp hàng chờ tôi làm gà, nay thì đỏ mắt tìm không thấy khách mua dù giá giảm", chị Hoa nói.
Người tiêu dùng mua gà cúng ông Công ông Táo tại chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Phân tích nguyên nhân khiến sức mua của người dân trong dịp cúng ông Công, ông Táo tại hệ thống chợ truyền thống giảm sút, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh nêu rõ, những ngày này mặc dù sức mua tại các siêu thị đã tăng 20-30% so với ngày thương nhưng các siêu thị đã đẩy mạnh dự trữ hàng Tết. Đặc biệt siêu thị khóa giá nhiều mặt hàng thiết yếu, tăng cường bán hàng online, miễn giảm phí giao hàng nên nhiều người tiêu dùng lựa chọn siêu thị làm nơi mua sắm “Đây là một trong những nguyên nhân khiến sức mua tại hệ thống chợ truyền thống không tăng như mong muốn”-bà Oanh nêu rõ.
Đồng tình với phân tích này, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến nêu rõ, các nghi lễ có sử dụng vàng mã trong đời sống tín ngưỡng là một phong tục truyền thống hàm chứa một số ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, đốt vàng mã gây ra sự lãng phí công sức, tiền của và đốt quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể đây còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư và di tích.
Nhằm hạn chế tình trạng cháy nổ trong Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” cũng nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.
Lê Nam
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tet-ong-cong-ong-tao-gia-hang-hoa-khong-tang-van-e-am.html