Mang mùa xuân đến mọi nhà.
Tết đầu tiên nơi xứ người
Hơn 2 năm ngăn cách bởi dịch Covid-19, thêm sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình đã giúp tôi vượt qua những e ngại về cuộc hành trình đến nơi xa lạ. Lo gì là có đó, do chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh bị trễ, kéo theo lỡ chuyến bay Đài Loan - Auckland, tôi và một số hành khách vạ vật ở Sân bay Đào Viên suốt 12 tiếng mới được bố trí khách sạn nghỉ ngơi và hôm sau phải bay qua Sân bay Chek Lap Kok ở Hong Kong, từ đó bay đến Auckland rồi đáp chuyến bay nội địa đến Wellington. May mà tôi được các em du học sinh đi cùng chuyến bay giúp đỡ tận tình.
Ngày 5-1, sau 3 ngày lăn lóc đủ kiểu ở các sân bay, tôi được hội ngộ với con cháu. Nói sao cho hết những cảm xúc dâng trào. Và hơn nửa tháng sau, gia đình nhỏ của tôi cùng nhau quây quần đón Tết Nguyên đán Quý Mão. Đó cũng là cái Tết đầu tiên của tôi nơi xứ người.
Mấy năm trước các con không đón Tết âm lịch vì mùng 1 vẫn phải đi làm, chiều mùng 1 thì gọi về Việt Nam “ké” không khí Tết quê nhà. Các con sợ tôi nhớ nhà nên bàn nhau chuẩn bị Tết thật chu đáo, tôi thì mong muốn mang đến cho con phong vị Tết quê hương, nên cả nhà “hợp tác vui sướng”.
Tôi nhớ, mùng 1 Tết năm ấy rơi vào chủ nhật ngày 22-1, tình cờ hôm sau là ngày Lễ Kỷ niệm thành lập vùng Wellington, thế là các con được nghỉ một lèo từ 30 Tết đến mùng 2 âm lịch. Sáng 30 Tết, các con đưa tôi đến Yan’s supemarket - một siêu thị châu Á ở trung tâm Wellington. Trời, ở đây đúng là cái gì cũng có, tôi chỉ cần mua, mua và mua: dưa hấu, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài), mứt, bánh kẹo, hạt dưa, thèo lèo… không thiếu món gì, còn quèo thêm mớ chữ Phúc, liễn Tết và bao lì xì. Dĩ nhiên ngày Tết thì không thể thiếu món thịt kho trứng và dưa giá, có điều ở đây không sao mua được trứng vịt, tôi đành thay thế bằng trứng gà, nước dừa thì có hàng đóng hộp. Dưa giá không có hẹ, chỉ có giá, cà rốt và ít rau răm mua ở chợ trời cạnh Bảo tàng Te papa, đắt kinh khủng, và cũng không có thời gian cho lên men tự nhiên nên phải làm chua bằng chanh.
Sống với tôi 18 năm, sau đó con đi học ngày càng xa, con lại là dân kỹ thuật, mấy khi được nghe, biết những câu chuyện về văn hóa và về Tết của người Việt nên con cũng thích thú.
Ở quê, Tết năm nào nhà tôi cũng tự gói bánh tét, nhưng thú thật người gói là má chồng tôi, một bà cụ U.90 chủ xị từ trong ra ngoài, còn bà trẻ là tôi chỉ phụ trách khâu ăn và nịnh nọt khen ngon rối rít. Nên sang đây tôi không hề dám khoe khoang tài gói bánh, dù rất tưởng niệm không khí gói bánh rộn ràng, nhớ mùi khói củi luộc bánh. Để Tết đủ vị, con tôi đặt bánh chưng, củ kiệu, dưa món, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh in gói giấy bóng kiếng đỏ của một bạn người Việt.
Mong muốn thêm không khí Tết, tôi dán chữ Phúc to đùng lên cửa chính, còn phía trên cửa dán câu liễn Ngũ phúc lâm môn. Ở đây không có chữ tiếng Việt, đành chấp nhận chữ tiếng Hoa vậy. Ông Steve hàng xóm đi ngang qua, ngạc nhiên hỏi: “Người Việt Nam cũng xài chữ viết China hả?” Nghe con trai dịch lại, tôi ngượng ngùng hết sức. Mình là người Việt, ăn Tết phải theo văn hóa Việt, cớ sao lại để người khác hiểu lầm.
Tôi lọ mọ lột hết mấy tấm liễn tiếng Hoa, nhờ con đưa lại Yan’s supemarket tìm xem có trang trí nào phù hợp. Câu chữ Tết tiếng Việt chắc chắn không có rồi, tôi cố gắng tìm xem có biểu tượng về Tết hoặc biểu tượng phúc, lộc, thọ để thay thế. Tìm mãi mới tạm chấp nhận được tấm đề can đồng tử ôm đào, nó gợi tôi nhớ đến bức tranh “Thất đồng” của làng tranh Đông Hồ. Tôi cũng thấy có đề can biểu tượng hình con cá, ngụ ý “niên niên hữu dư” (hàng năm có cá), tiếng Hoa ngư và dư phát âm gần giống, nên cá biểu hiện cho mong ước được dư dả. Lối đọc đồng âm này cũng có ví dụ khác, như con dơi đọc là phức, gần giống như từ phúc nên dơi cũng được chọn làm biểu tượng cho Phúc. Có điều đó không phải văn hóa Việt nên tôi bỏ qua. Các con nghe tôi giảng giải, mắt tròn mắt dẹt, không nghĩ là cái trang trí ngày Tết thôi mà mang nhiều ý nghĩa như thế.
Không phải tiếc tiền mua hoa
Ở Wellington không thấy có hoa mai, nếu có chắc cũng giá trên trời. Siêu thị có bán hoa ly, nhiều người chọn mua vì chưng lâu, lại thơm, tôi lại theo kiêng kỵ của ông bà nên không dùng hoa này, vì ly trong từ chia ly, đầu năm không hên.
Xin lộc đầu năm.
Ra đầu ngõ trước nhà, tôi cắt mấy nhánh hoa dơn lúa mọc dại về chưng. Con tưởng tôi tiếc tiền mua hoa, tôi cười: “Quê mình là xứ nông nghiệp, hoa này hình dạng giống như cây lúa quê mình, đem chưng bàn thờ bày tỏ lòng cầu mong năm mới mùa màng thuận lợi”.
Giao thừa, tôi bày mâm cúng, khấn mời tổ tiên về cùng đón năm mới, phù hộ cho cả gia đình bình an, đặc biệt là thành viên nhí. Con tôi nói vui: “Không biết tổ tiên, ông bà sang đây có phải xin visa không, rồi có biết đường đi, biết nhà không”. Ờ, những chuyện tâm linh đó thì có ai biết được, nhưng nghe mùi nhang tỏa nồng trong ngôi nhà vốn trước nay quạnh quẽ, gần như chỉ là nơi để về ngủ, nghỉ ngơi sau một ngày cày mấy cái “job”của đôi vợ chồng son, mắt con tôi cũng ươn ướt.
Mùng 1 Tết, đợi đến trưa cả nhà tôi gọi về đại gia đình ở Việt Nam “hóng” tiết mục chúc Tết - thông lệ bất di bất dịch mấy chục năm nay. “Thắng lợi” lớn nhất của tôi là năm nay ở xa nên chỉ lì xì miệng, không tốn đồng nào. Con nói cộng đồng người Việt ở Lower Hutt, cách nơi chúng tôi sống khoảng 10 phút lái xe có tổ chức Chương trình Tết Việt Nam, có ẩm thực Việt và biểu diễn văn nghệ, trang phục áo dài, nghe thật hấp dẫn vì tôi cũng muốn biết kiều bào nước ngoài đón Tết cổ truyền như thế nào, nhưng con dâu còn ở cữ, cháu nội quá bé nên gia đình tôi đành đóng cửa ăn Tết, bỏ qua tiết mục đi thăm, chúc Tết bạn bè, người quen - một truyền thống ngày xuân của dân tộc.
Mùng 3 Tết con trở lại sở làm, còn tôi chạy ra siêu thị nhỏ gần nhà. Tìm mãi mới có con gà, nhưng không có đầu và bộ lòng. Tôi nấu cháo gà cúng đưa ông bà cho đủ lệ bộ, lòng khấn thầm mong tổ tiên thông cảm, ở xứ người chỉ có vậy.
Có lẽ trong mắt người khác, Tết Nguyên đán của gia đình tôi chưa đủ đầy hương vị Tết, chưa thể hiện được hết văn hóa Tết Việt Nam. Nhưng qua một cái Tết ở nơi xa, tôi nghiệm ra rằng người Việt ở nước ngoài có thể không chỉ đóng góp cho quê hương bằng cách gửi ngoại tệ, chuyển giao tri thức, mà còn bằng cách cùng đoàn kết kiến tạo cộng đồng, giữ gìn đồng thời lan tỏa văn hóa quê hương đến người địa phương, để bạn bè quốc tế hiểu thêm nét đẹp của dân tộc Việt. Đó cũng là cách nhỏ thể hiện tình yêu quê hương xứ sở.
Thanh Thúy