Trên cơ sở đúc kết lý luận và thực tiễn nước ta, Tổng Bí thư khẳng định tầm quan trọng to lớn của năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu năng của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư chỉ rõ những yếu kém, tồn tại của hệ thống chính trị cần phải khẩn trương khắc phục như hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng...; đồng thời, định hướng những công tác trọng tâm nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ các tồn tại như nhận thức và hành động của một số cấp ủy, người đứng đầu chưa đầy đủ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, vẫn còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn chồng chéo. Phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng.
Nhìn lại lịch sử thì thấy, năm 1923 Lê nin đã có tác phẩm “Thà ít mà tốt” đưa ra quy tắc để xây dựng một nhà nước vững mạnh trong điều kiện Đảng cộng sản cầm quyền là thà ít mà tốt - thà mất hai năm hay thậm chí ba năm còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân lực tốt. Đảng ta trong nhiều văn kiện cũng đã chỉ rõ phải xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn.
Phấn khởi trước những định hướng lớn của người đứng đầu Đảng ta về xây dựng bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”; nhân dân mong muốn Đảng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện của xã hội trong xây dựng chủ trương, đường lối, nâng cao công tác quản lý của Nhà nước. Tinh thần “Thà ít mà tốt” cần được quán triệt ở các cấp, ngành, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, có quyết sách tiền lương phù hợp để sử dụng, trọng dụng được người có tài, có tâm huyết với công việc, cương quyết đưa ra khỏi hệ thống chính trị những cán bộ không làm được việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…
Ngọc Linh